Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Hai học sinh từ chối nhà trường và nền giáo dục ‘đẽo cày giữa đường’

Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc - Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

(VNTB) - Cũng như nông dân thôn Hoành xã Đồng Tâm “rào làng kháng chiến” chối từ “lệnh thu hồi đất”, gia đình họ Đặng có hai con trai chối từ “nhà trường XHCN” như một “lựa chọn đau đớn cuối cùng sau nhiều mệt mỏi và bức xúc”.

Khẩu hiệu “Giáo dục là quốc sách” được nhà cầm quyền nhiều lần khẳng định, thầy cô, học trò và thiên hạ nghe nhiều đã nhờn tai.
Cựu bộ trưởng Phạm Vũ Luận hăng hái “Cải cách lần này là trận đánh lớn”. Tuyên bố hùng hồn trên đã bị GS Nguyễn Minh Thuyết bắt bẻ: “Giáo dục là vấn đề xây dựng con người, không phải trận đánh”. Đến lượt GS.Thuyết người đang cầm trịch “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thực hiện từ 2018” đưa Bản dự thảo dài 54 trang trình ra công luận. Bản dự thảo được công bố vài tuần, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có tới 50 trang sai sót phải điều chỉnh lại.
Cựu BT Phạm Vũ Luận từng trả lời câu hỏi của quốc hội “Triết lý GD của ta hiện nay là gì?” - ông ta cười đáp “Là Nghị quyết 29 của trung ương đó” (!?). Triết lý thì lâu dài, còn nghị quyết là tạm thời giai đoạn. Bộ trưởng GSTS. lẫn lộn hết rồi!
Trong một kỳ họp QH gần đây, phiên chất vấn bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, có đại biểu đưa câu hỏi “Xin bộ trưởng cho biết triết lý giáo dục của ta hiện nay là gì, đề nghị nói ngắn gọn cụ thể?”. Vì đã cuối giờ sáng nên ông Nhạ khất hẹn đến buổi chiều. Chiều đó Nhạ cố tình quên luôn câu trả lời và đại biểu cũng… quên hỏi lại. Tân bộ trưởng dùng chiêu im lặng là vàng.
TS. Nguyễn Minh Hoà (ĐHQG TP.HCM) nói với báo Vietnamnet.vn: "Có rất nhiều lãnh đạo của các trường, của ngành giáo dục luôn nói rằng giáo dục VN ưu việt, thậm chí có thứ hạng trên thế giới, nhưng rốt cuộc đều gửi con cái mình đi học ở nước ngoài, mà không cho chúng thụ hưởng “sự ưu việt đó của nền giáo dục nước nhà” (!).  Công nhận tiến sĩ hiếm hoi dám mạo phạm cấp trên. Tuy nhiên anh còn chừa lại cấp trung ương cao hơn. Chúng tôi xin bổ sung cho Ts. Hoà: rất nhiều quan chức Đảng cao cấp, tới tận Bộ chính trị cũng cho con đi “tỵ nạn giáo dục” ở các nước tư bản dân chủ, nhân tiện rửa tiền, lo lót sẵn chỗ ẩn mình phòng khi “con tàu đắm”.
Trong tình trạng giáo dục trì trệ đó, câu chuyện hai anh em  Nhật Anh và Thái Anh học sinh Sài Gòn nghỉ ở nhà tự học với phụ huynh được báo Dân Trí phát hiện nổ ra trên công luận như một “xã Đồng Tâm trong trường học”. Cũng như nông dân thôn Hoành xã Đồng Tâm “rào làng kháng chiến” chối từ “lệnh thu hồi đất”, gia đình họ Đặng có hai con trai chối từ “nhà trường XHCN” như một “lựa chọn đau đớn cuối cùng sau nhiều mệt mỏi và bức xúc”. Tất nhiên đó không phải là phong trào có khả năng nhân rộng. Đó chỉ là một tiếng kêu thống thiết, lẻ loi khiến những người có lương tri và trách nhiệm nghe thấy như một hồi chuông cảnh báo.
5 lý do khiến hai học sinh họ Đặng từ chối nhà  trường
1/ Chương trình học quá tải:
Chị Lê Thị Thanh mẹ của hai em, hiện là giảng viên Học viện Bưu chính viễn thông, nhận xét “Chương trình học phổ thông của các con thừa thãi một cách vô lý, bài vở quá tải khiến các cháu nhỏ phải thức khuya mới giải quyết xong trong khi sáng mai 6h đã phải dậy đi học”.
2/ Thầy cô trả thù những học sinh không chịu học thêm.
Học trò Thái Anh khi mới vào trung học cơ sở, chị Thanh cho biết: “Trong lớp, học sinh đi học thêm thì không bị truy bài, bạn nào không học thêm như con tôi thì cô cho đến 10 trang bài tập về nhà. Làm không hết sẽ bị phạt ngồi xuống, đứng lên với số lần tăng gấp đôi sau mỗi lần có lỗi. Gia đình thấy bé than mỏi chân, hỏi kỹ thì mới tá hỏa” (hình phạt “thụt dầu”: bơm dầu xăng bằng bơm thủ công).
3/ Hình thức trừng phạt học sinh lỗi thời,  không hiệu quả và phản cảm:
“Một lần trò Nhật Anh không thuộc bài, thế là cháu cùng với gần 20 bạn phải đứng trước phòng ban giám hiệu nhà trường trong giờ ra chơi, cầm cuốn tập học bài”.
4/ Trình độ thầy cô giáo có vấn đề:
Nhật Anh kể lại: “môn tiếng Anh dù cháu học tốt, bài kiểm tra của cháu đúng mà cô giáo chấm sai làm cháu cứ nói vui: Cô hài hước quá!”.
5/ Nhiều điều bất cập khác:
"Có nhiều điều bất cập trong nhà trường mà bản thân là một nhà giáo, tôi cảm thấy rất bức xúc và bế tắc" - chị Thanh giải thích nguyên nhân cho quyết định dừng học này.
Hiện tượng hai anh em Nhật Anh và Thái Anh họ Đặng từ chối nhà trường công lập, ở nhà tự học với phụ huynh và chuẩn bị du học được báo chí đưa lên gây rung động công luận, đương nhiên nhà chức trách không thể né tránh chụm đầu hội ý. Như vụ làng Hoành xã Đồng Tâm, đã gây rung động và bắt buộc nhà cầm quyền nghiên cứu nghiêm túc nếu họ cảm thấy trách nhiệm của mình. Chúng ta đều biết, chỉ có một số ít gia đình có điều kiện làm theo tấm gương của gia đình họ Đặng này. Các nhà giáo mất công khuyên phụ huynh không nên bắt chước là một lời khuyên thừa thãi. Các vị hãy khuyên Bộ giáo dục thì hơn.
TS Nguyễn Minh Hòa bàn về việc Báo Tuổi Trẻ kết quả khảo sát tìm hiểu bạn đọc:
"Con số 84,7% (đồng tình với gia đình hai em) khiến chúng ta phải suy nghĩ, khiến chúng ta phải cùng nhau bày tỏ thái độ về một nền giáo dục đang có vấn đề. Tôi dám chắc một điều rằng sự lựa chọn này không dễ dàng với anh Quốc Anh và chị Thanh (cha mẹ hai em), đó là lựa chọn đau đớn cuối cùng sau những giày vò và bế tắc".
Ông thầy Trương Quang Dũng, hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Ngô Gia Tự, quận 8 Sài Gòn thì lo bò trắng răng “chúng ta cũng không nên cá thể hóa những việc như vậy thành phổ biến ở nước ta” . Ông Dũng không hiểu nghĩa từ “cá thể hoá” nên viết một câu ngô nghê chắp vá lủng củng tối nghĩa. Ông thầy cũng chẳng hiểu gì về thực tiễn phụ huynh học sinh nước Việt Nam ta, ông sợ cả nước học theo gia đình họ Đặng (!)
Nhà báo Lê Thanh Phong báo Lao Động lại khuyên nhủ theo quan điểm trung dung và lạc quan: “Bình thường, học sinh bước ra từ trường trung học rồi vào đại học, sau này trở thành tầng lớp trí thức đáp ứng nhu cầu nhân lực cao của xã hội. Đừng xem thường trường trung học của chúng ta, có rất nhiều học sinh Việt Nam giật học bổng vào các trường đại học danh tiếng khắp nơi trên thế giới” - Xin thưa rằng, đó là những học sinh cá biệt có khả năng tự học, dám bứt phá khỏi vòng cương toả mà thành công, quyết không phải nhờ cái “triết lý giáo dục tù mù” mà thành.
Kết
Các nhà giáo và nhà báo đã phân tích hai mặt được và mất, hay và dở của tự học ở nhà, thiết tưởng mọi người cũng tự thấy rõ, không cần nhắc lại. Có điều, quí vị đó không dám mạnh dạn khuyến cáo Bộ giáo dục và Nhà cầm quyền về những điều cốt tử nhất.
Điều kiện tiên quyết là: yêu cầu Bộ giáo dục mở hội thảo chủ đề TRIẾT LÝ GIÁO DỤC VIỆT NAM. Kế đó xác định mục tiêu nhà trường “cách mạng vô sản” không phải làm nhiệm vụ “nắm đầu” học sinh để quản lý họ suốt đời. Nhà trường là nơi dạy làm người, đaò tạo nhân tài và người lao động. Hãy học tập các mô hình trường học hiện đại phổ quát của loài người tiến bộ, văn minh.
Cụ thể trước mắt: đề nghị Bộ GD hãy soạn cả qui chế tự học, thi cử và công nhận bằng cấp cho những người có điều kiện tự học (Chế độ phong kiến xưa đã làm như vậy mà có cả nghìn tiến sĩ làm rường cột đất nước suốt nghìn năm).
Tái bút
Điểm qua lịch sử giáo dục ở nước ta từ xưa đến nay:
Khởi đầu, cha mẹ, ông bà chính là những người thầy đầu tiên của trẻ nhỏ.
Kế đó, dần dà bước vào giai đoạn chuyên môn hoá, hình thành nghề thầy đồ tự do.
Thầy được mời đến nhà dạy 1 trò gọi là gia sư, bán thời gian hoặc toàn thời gian. Với hoàn cảnh khác, học trò tầm sư học đạo, tìm đến nhà xin thầy theo học. Mỗi lớp có một trò hoặc nhóm học trò. “Lớp học” tồn tại như một gia đình đông con. Lớp học kiểu gia đình sẽ dạy học cho tới khi trò đi thi tú tài, cử nhân, tiến sĩ. “Hồ sơ học bạ” đơn giản chỉ là thí sinh tự khai quá trình học, xin lý trưởng (xã trưởng) đóng dấu ký tên xác nhận nhân thân là xong. Nhà nước phong kiến chỉ lập ra Quốc tử giám cho lớp cuối, dành cho con cái quan chức cao cấp, thực chất là một “lớp luyện thi kỳ cao nhất”.
Tranh sơn mài: lớp học đầu thế kỷ 20
Khi người Pháp ổn định nền cai trị thuộc điạ ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhà trường kiểu Tây (cấu trúc cơ bản như hiện nay) được mở ra. Đó là quan điểm giáo dục hiện đại: nhà trường hoạt động như một công nghệ, phù hợp với xã hội hiện đại, chấm dứt tự học, học gia sư tại nhà. Xuất hiện trường công và trường tư đáp ứng nhu cầu và điều kiện, hoàn cảnh của học trò và phụ huynh.

Từ 1954 đến 1975, nước ta bị chia cắt ra hai miền Nam, Bắc với hai nền giáo dục khác nhau cơ bản. Bộ GD chưa từng tổ chức nghiên cứu so sánh hai nền GD đó để có thái độ cải cách, kế thừa nghiêm túc. 42 năm qua, bản thân chúng tôi đã từng tham gia nhiều cuộc thay sách giáo khoa liên miên và chưa biết bao giờ nền giáo dục “định hướng XHCN” sẽ ngừng trò chơi “đẽo cày giữa đường”.

1 nhận xét: