Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Bộ Chính trị kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cấp cao

Dân trí Đó là nhóm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý - Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thuỷ trao đổi xung quanh việc Bộ Chính trị vừa ban hành quy định việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản cán bộ với chủ thể giám sát chính là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra trung ương.

Vụ “biệt thự quan chức”: Thông tin phản ánh là căn cứ kiểm tra

- Những ngày qua, báo chí rất nóng về “phố biệt thự” đắt tiền của quan chức Lào Cai. Lại một lần nữa, dư luận dấy lên những băn khoăn, nghi vấn về chuyện tài sản, thu nhập của cán bộ, quan chức. Với những trường hợp này, từ góc độ của cơ quan kiểm tra cấp cao nhất của Đảng, theo bà, các cơ quan có nên vào cuộc làm rõ để trả lời dư luận?

- Những sự việc khi báo chí phản ánh thì thuộc trường hợp cán bộ có phản ánh, kiến nghị, đơn thư tố cáo. Tuy nhiên vấn đề cần phải làm rõ là các khu biệt thự đó là của ai, đối tượng này thuộc diện ai quản lý? Nếu đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì chắc chắn là Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ phải vào cuộc. Còn thuộc diện Ban Thường vụ Lào Cai quản lý thì Ban Thường vụ sẽ chỉ đạo làm, vì việc này thuộc trường hợp có thông tin, dư luận phản ánh.

Vấn đề là phải bám sát theo thẩm quyền. Theo quy định mới của Bộ Chính trị, UB Kiểm tra là một chủ thể giám sát nhưng giới hạn trong diện cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

- Trong vụ việc này, nhiều biệt thự được xác định thuộc sở hữu của gia đình các quan chức “đầu tỉnh”, còn lại là của gia đình cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Nếu cơ quan kiểm tra cấp dưới không phản ứng, UB Kiểm tra trung ương có chỉ đạo không, thưa bà?

- Trong trường hợp này, ở mỗi địa bàn, UB Kiểm tra trung ương đều có cán bộ chuyên quản, người ta sẽ có trách nhiệm trao đổi với các lãnh đạo ở đấy là việc như thế này, thông tin như thế nào thì phải minh bạch và trả lời các phương tiện thông tin đại chúng biết sự việc đó như thế nào.

Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thuỷ

Quy định mới "phủ" 1.000 cán bộ cấp cao

- Bà có thể nói cụ thể về quy định mới của Bộ Chính trị về vấn đề kiểm soát tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như đã đề cập?

- Kê khai tài sản là một trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng được đánh giá chưa hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là việc kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ chứ không phải chưa kiểm tra, giám sát. Có rồi, nhưng chưa thành hệ thống bài bản.

Do đó, vừa rồi UB Kiểm tra Trung ương đã xây dựng quy định quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này đã được Bộ Chính trị chính thức ban hành vào ngày 23/5 vừa qua và có hiệu lực ngay tức thì.

Trong quy định này, Bộ Chính trị đã quy định rõ, chủ thể kiểm tra đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UB Kiểm tra Trung ương. Còn chủ thể giám sát đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra trung ương và các chi bộ mà các cán bộ đó đang sinh hoạt. Ở cấp dưới cũng có quy định tương tự như vậy.

- Văn bản này, như vậy, sẽ “phủ” được số lượng cán bộ thế nào? Trong trường hợp nào cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ cấp cao?

- Hiện có khoảng một nghìn cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Còn về quy định kiểm tra thì từ nay trở đi sẽ có lộ trình kế hoạch cụ thể về việc kiểm tra, giám sát tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Bên cạnh đó, khi có yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, yêu cầu cần phải kiểm tra giám sát tài sản của cán bộ này, cán bộ kia thì UB Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành thực hiện.

Ngoài ra, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực và khi cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có dấu hiệu vi pham quy định của Đảng, nhà nước về kê khai tài sản thì các cơ quan sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát để làm rõ.

Kiểm tra khi có thông tin phản ánh tài sản không trung thực

- Nhiều ý kiến cho rằng, quy trình kiểm tra, giám sát nên được đặt ra ngay trong quá trình bổ nhiệm cán bộ, thưa bà?

- Lâu nay quy trình kiểm tra tài sản khi bổ nhiệm cán bộ là đã có rồi. Tất cả khâu trong quy trình này đã được cơ quan tổ chức làm rồi và bây giờ vẫn tiếp tục quy trình làm bình thường như thế chứ không phải vì có quy định này mà việc đó thay đổi.

Còn quy định mới chỉ điều chỉnh khi có 3 yếu tố mà tôi đã nói ở trên, tức là có kế hoạch, có yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền; khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo việc kê khai tài sản không trung thực và khi có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước.

- Khi kiểm tra nếu phát hiện có việc kê khai tài sản không trung thực thì việc xử lý như thế nào?

- Toàn bộ việc kê khai tài sản không trung thực thì được xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước. Hiện các cơ quan của Đảng cũng đang sửa đổi quy định về hình thức xử lý nếu kê khai tài sản không trung thực, không đầy đủ. Còn quy định của Nhà nước, tới đây sửa luật phòng chống tham nhũng cũng sẽ quy định rõ, Chính phủ cũng sẽ sửa nghị định về kỷ luật cán bộ cũng liên quan đến việc này.

Bên cạnh đó, toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản được thực hiện theo đúng quy trình kiểm tra giám sát của Đảng. Có nghĩa là sau khi làm xong, UB Kiểm tra trung ương sẽ có thông cáo và công khai rất đầy đủ để trên cơ sở đó các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi; đồng thời các tổ chức, cá nhân, nhân dân biết sự việc.

- Với gần 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, hàng năm khi xây dựng kế hoạch có đặt ra chỉ tiêu như kiểm tra bao nhiêu % không?

- Sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quy định rồi thì UB Kiểm tra Trung ương sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xây dựng kế hoạch như thế nào. Việc thực hiện yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền ra sao? Rồi việc xử lý đơn thư kiến nghị phản ánh hay khi có dấu hiệu vi phạm về kê khai tài sản… Có nghĩa là sẽ có một hướng dẫn cụ thể để trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch như thế nào để tiến hành kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc.

Tuy nhiên, theo tôi việc có bao nhiêu cuộc kiểm tra hay bao nhiêu cán bộ bị kiểm tra, giám sát tài sản trong một năm không phải vấn đề quan trọng. Vấn đề là khi thấy các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, các trường hợp có đơn thư phản ánh việc kê khai không trung thực thì được kiểm tra xem xét ngay, kịp thời.

- Xin cảm ơn bà​!

P.Thảo (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét