Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Đảng bắt đầu ‘tràn sang chính phủ’?

Thiền Lâm


(VNTB) - Nếu đà “nhất thể hóa” thuận lợi, lẽ đương nhiên bên đảng và do đó tổng bí thư sẽ “nắm” hết. Mô hình “đảng quản lý” thay cho “đảng lãnh đạo” sẽ ứng với hai chức danh chính là tổng bí thư và thủ tướng mà không quá cần thiết vai trò chủ tịch nước.

Một bản tin ngắn vừa xuất hiện trên báo chí Việt Nam về việc “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ xem xét Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet” đã thu hút nhiều ý kiến trên mạng xã hội và đặt lại vấn đề có phải Đảng CSVN sẽ làm thay nhiều việc của bộ máy chính quyền.

BBC Việt ngữ đặt tựa đề đầy hàm ý và có vẻ mỉa mai: “Về vụ SkyViet: Đảng không làm thay mà làm luôn?”.

Bởi đơn giản, nhưng đề án như SkyViet thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thậm chí thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải chứ hoàn toàn không liên quan gì đến “tính đảng”.

Hình như không cần chờ đến khi có chủ trương nhấ thẻ hóa, đang bắt đầu một làn sóng “tràn sang chính phủ” của đảng - như cách mô tả của một số cây viết.

Cần nhắc lại, “Nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch tỉnh” là một đề xuất “bất ngờ” được nêu ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 vào ngày 4/3, do Ban Tổ chức trung ương chủ trì và Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh “phát biểu chỉ đạo”.

“Quy trình” đang dần khép kín. Sau hơn một năm kể từ thời sóng gió ngay trước đại hội 12, đến tháng 4/2017 và sát Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017, “nhất thể hóa” đã trở thành một đề nghị chính thức.

Logic thời gian đã có. Nửa năm sau Đại hội 12, bên đảng bắt đầu phát ra dấu hiệu cùng hành động “tập quyền”. Vào tháng 7/2016, với một động tác chưa có tiền lệ, ông Trương Minh Tuấn, người đã trở thành Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, được Bộ Chính trị điều động kiêm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Như vậy, ông Tuấn cùng một lúc vừa làm việc bên chính quyền, lại vừa là “người của đảng”.

Tháng 9/2017, đích thân Tổng Bí thư Trọng “tự tham gia” vào Đảng ủy Công an trung ương mà khiến có dư luận cho rằng ông Trọng “thống lĩnh các lực lượng vũ trang”, sau khi đã chắc chắn vị trí Bí thư Quân ủy trung ương.

Nếu giả thiết về mô hình “nhất thể hóa” là nhằm tăng cường xu hướng tập quyền cho đảng là có cơ sở, người ta sẽ chứng kiến quyền lực của các cơ quan đảng không những không bị co hẹp vì “khó khăn ngân sách” mà còn mạnh hơn trong thời gian tới. Nhưng sẽ có một khác biệt rất cơ bản là nếu trước đây đảng chỉ “lãnh đạo đường lối” thì trong thời gian tới, hàng loạt nhân sự của đảng sẽ được cho kiêm chức bên chính quyền trung ương và cả chính quyền địa phương, lấy đó làm cơ sở để “người của đảng” kiêm việc điều hành chính quyền, và từ đó sẽ xuất hiện một cơ chế “chính ủy trong chính quyền”.

Nếu đà “nhất thể hóa” thuận lợi, lẽ đương nhiên bên đảng và do đó tổng bí thư sẽ “nắm” hết. Mô hình “đảng quản lý” thay cho “đảng lãnh đạo” sẽ ứng với hai chức danh chính là tổng bí thư và thủ tướng mà không quá cần thiết vai trò chủ tịch nước.

Khó mà hiểu khác hơn, logic của phương án “bí thư kiêm chủ tịch tỉnh” sẽ hầu như phải dẫn đến đến kết quả vai trò của tổng bí thư được “nâng lên một tầm cao mới”, cao đến mức mà hiểu theo cách nào đó có thể so sánh với mô hình “cộng hòa tổng thống” của phương Tây, tức tổng thống mới là người có quyền lực thực sự và cất tiếng nói cuối cùng để giải quyết các vấn đề quốc gia, chứ không phải thủ tướng.

Thực ra, sự việc “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ xem xét Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet” chỉ là bề nổi. Trong thực tế “lãnh đạo toàn diện”, đã từ lâu đảng vẫn mang thói quen không chỉ “phúc tra” mà còn “sơ duyệt” những đề án lớn của các bộ ngành và chính phủ. Trường hợp đề án của SkyViet chẳng qua là một bước thử nghiệm truyền thông công khai để từng bước khẳng định tính “chính danh” của đảng mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét