Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Bàn tay bí mật nào đã chỉ đạo ‘siết’ dự luật về Hội?


Ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí thư (Ảnh: Ba Sàm)

Vào trung tuần tháng 10/2016, bầu không khí dân chủ còn manh nha ở Việt Nam bất chợt bị ô nhiễm nặng hơn: bản dự luật về Hội được tung ra với nhiều điều khoản không chỉ quá thiên về hoạt động quản lý nhà nước, mà còn tiêu biểu quá rõ ràng cho ý đồ “siết” đối với Xã hội dân sự.

Trong một cuộc tọa đàm về dự luật về Hội tại Liên hiệp các tổ chức khoa học kỹ thuật ở Hà Nội, luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải đã phải gọi dự luật được sửa đổi đến lần thứ 8 này là “luật phản động”.

Khá nhiều nội dung “phong phú” đã được một bàn tay bí mật nào đó nhét vào dự thảo mới nhất, trong đó có những quy định “Không được nhận tài trợ, liên kết với tổ chức nước ngoài”, “Người nước ngoài ở Việt Nam không được lập hội”, “Lãnh đạo hội phải được nhà nước phê chuẩn”. Rất đáng chú ý, có một số nội dung quá thiên về nhiệm vụ “siết” mà không nằm trong bản dự thảo luật về Hội được đưa ra vào trung tuần tháng 9/2016, nhưng lại được bổ sung vào lần này.

Nỗi lo lắng của nhiều người hoạt động xã hội dân sự đã không thừa: cuối cùng thì chính quyền cũng tìm cách nhúng tay vào để ngăn cản thô bạo hoạt động tự do lập hội của công dân, cho dù tự do lập hội là một thứ quyền đã được quy định rất rõ trong hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết năm 1982. Thậm chí quy định về không cho người nước ngoài được lập hội lại khá giống với quy định tương tự ở Trung cộng, và gần giống với nước Nga thời Putin.

Trong thời gian qua, một số nghiên cứu và phân tích từ xã hội dân sự đã cho thấy Nghị định số 45 của Chính phủ Việt Nam về quản lý hội đoàn có nhiều vết tích được cho là lấy từ nguồn gốc những văn bản pháp quy về cùng đối tượng ở Trung cộng.

Vậy bàn tay bí mật nào ở Việt Nam đã cố tình sao chép các quy định của Trung cộng vào Nghị định 45 trước đây và nhét vào dự thảo mới nhất của luật về Hội?

Tất nhiên nhiều người nghĩ ngay đến Bộ Công an – cơ quan chưa bao giờ có một chút thiện chí với những quyền căn bản của người dân. Nhưng một số người cũng tỏ ra nghi ngờ đối với ông Đinh Thế Huynh – Thường trực Ban Bí thư, nhân vật là Chủ tịch hội đồng lý luận trung ương và có mối quan hệ thâm tình với Hội đồng lý luận trung ương của Trung cộng.

Ông Đinh Thế Huynh lại được cho là rất gần gũi với ông Nguyễn Phú Trọng.

Trước đại hội 12, ông Đinh Thế Huynh giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Sau đại hội 12, chức vụ này được giao cho ông Võ Văn Thưởng.

Tuy nhiên một biểu hiện khá lạ lùng là cùng thời điểm công bố bản dự thảo “phản động” luật về Hội, trên Tạp chí Tuyên giáo (thuộc Ban Tuyên giáo trung ương) đã xuất hiện một bản tin có tựa đề “Dự thảo Luật về hội còn những điểm “sai lệch” cần tháo gỡ”.

Bản tin trên có đoạn kết: “Kết luận Hội thảo, ông Thang Văn Phúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học hành chính nhất trí với các ý kiến đề xuất của các chuyên gia và khẳng định rằng, nếu Dự thảo Luật về hội lần này được Quốc hội thông qua mà không tiếp tục được chỉnh sửa, sẽ không đạt được mục tiêu thể chế hóa quyền lập hội của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật lần này chưa thể hiện đầy đủ tính pháp lý tối thượng của quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định; thiếu tính kế thừa của Luật gốc. E rằng, nếu được thông qua, Luật về hội sẽ gặp sự phản ứng của cộng đồng xã hội. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp các ý kiến và có bản kiến nghị chung tới các cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất, trước khi dẫn đến việc thông qua Luật này. Trong đó, thể hiện rõ nội dung đề nghị Quốc hội cân nhắc, dành thêm thời gian để hoàn thiện Dự thảo Luật và có thể để lùi lại việc thông qua vào kỳ họp sau trong năm 2017”.

Vào những ngày này khi Quốc hội bắt đầu họp kỳ cuối năm 2016, trong xã hội dân sự Việt Nam dấy lên phong trào đòi hỏi hoãn thông qua luật về Hội, để khi được ra đời chính thức, luật này không đến nỗi mang tiếng “phản động” trước nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét