Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Khoản tiền Formosa Hà Tĩnh bồi thường bao giờ đến tay người dân?

Hàn Giang


(VNTB) - “...Chuyện bồi thường cho ngư dân thì đầu tiên ngư dân phải đòi cái đã, phải đánh giá tôi bị thiệt như thế này và tôi đòi chứ không phải để người ta bố thí coi như cho, đây cũng là bài học cho người dân của mình biết quyền của mình là gì?”- Tiến sĩ Nguyễn Quang A.


Cuộc vận động “Vì Môi Trường Biển Miền Trung” vào ngày 10/8/2016 tại Đài Loan

Cuộc vận động “Vì Môi Trường Biển Miền Trung” vào ngày 10/8/2016 tại Đài Loan, bằng một cuộc họp báo trước trụ sở mẹ của tập đoàn Formosa nhằm mục đích kêu gọi chính phủ Đài Loan công bố kết quả điều tra việc công ty Formosa Hà Tĩnh gây thảm họa môi trường biển tại Việt Nam, liệu có những thỏa thuận bí mật nào giữa Formosa Hà Tĩnh với chính phủ Việt Nam hay không? Đặc biệt là mối quan tâm của dư luận Việt Nam về khoản tiền bồi thường 500 triệu USD của công ty Formosa Hà Tĩnh đến nay đã gần 2 tháng vẫn chưa đến tay người dân? Và có uẩn khuất gì đằng sau số tiền hơn 10.450 tỷ đồng mà Tổng cục thuế trình Bộ tài chính về việc miễn thuế và không truy thu thuế cho Formosa Hà Tĩnh hay không?...

Chưa bạch hóa nhiều vấn đề dư luận quan tâm đối với Formosa 

Theo anh Nguyễn Đức Huy, một công dân Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan có theo dõi cuộc họp báo vận động “ Vì Môi Trường Biển Miền Trung” cho Việt Nam Thời Báo (VNTB) biết, có khoảng hơn 40 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Đài Loan, nhiều tổ chức dân sự ở Đài Loan tham dự cuộc họp báo như; Hội Luật sư Môi trường, Tổ chức Nhân quyền Đài Loan, Văn phòng pháp lý về người lao động và cô dâu Việt tại Đài Loan..., đặc biệt là sự có mặt của những vị dân biểu nằm trong Quốc hội Đài Loan. Ngoài ra, các tổ chức dân sự ở Việt Nam cũng cử những đại diện qua Đài Loan tham dự nhưng cuối cùng đi không được. Anh Huy nói: 

“Ở Việt Nam lẽ ra có 4 tổ chức (Xã hội dân sự) đến đây (Đài Loan) nhưng bị chính quyền Việt Nam ngăn chặn hoặc có thể là do Văn phòng kinh tế Đài Bắc có trụ sở tại Hà Nội không muốn cho các tổ chức đến đây.”

Cuộc họp báo kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, có đưa ra nhiều vấn đề như yêu cầu Chính phủ Đài Loan công bố kết quả điều tra việc Formosa Hà Tĩnh gây ra thảm họa môi trường tại Việt Nam, giữa Formosa Hà Tĩnh và chính phủ Việt Nam có những thỏa thuận bí mật nào hay không? Tuy vậy, cuộc họp báo đến nay đã qua nhiều ngày nhưng vẫn chưa thấy có sự hồi đáp nào đến từ Chính phủ Đài Loan cũng như ở phía công ty Formosa. Đặt một câu hỏi mang ý kiến cá nhân, anh Huy nói bản thân anh nghĩ giữa Formosa Hà Tĩnh với chính phủ Việt Nam hẳn có những thỏa thuận ngầm, những toan tính rất chặt chẽ từ vấn đề tiền đền bù cho đến việc các đại diện lãnh đạo của tập đoàn Formosa Hà Tĩnh đứng cúi đầu nhận lỗi trước dư luận Việt Nam, thiết nghĩ đây là một hành động nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của người dân Việt Nam. Anh Huy nói thêm:

“Còn vấn đề tiền đền bù 500 triệu USD thì đến bây giờ người dân vẫn chưa nhận được số tiền đó, rồi báo đài loan tin miễn thuế cho Formosa với số tiền tương đương vậy ,tôi nghĩ ở đây có những thỏa thuận ngầm nào đó. Rồi những kết quả xét nghiệm môi trường biển bị nhiễm độc của các nhà khoa học không được công khai bị giữ bí mật mà người dân không được biết.”

Cuộc họp báo vận động “ Vì Môi Trường Biển Miền Trung” vào ngày 10/8/2016, đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần đến số tiền 500 triệu USD mà Formosa Hà Tĩnh công bố sau khi thừa nhận mình là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam.

“Người ta nói về vấn đề tiền bồi thường đến giờ đã trôi qua hơn một tháng rồi mà những người bị thiệt hại vẫn chưa nhận được tiền bù đó, có gửi cho dân một số gạo nhưng gạo lại không ăn được.”

Không chỉ nêu vấn đề chậm trễ trong khâu thực hiện đền bù, người dân đến theo dõi buổi họp báo đã đưa nhiều khẩu hiệu phản đối kịch liệt và yêu cầu đóng cửa, di dời Formosa ra khỏi Việt Nam.

“Vấn đề đóng cửa cũng được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, các tổ chức đã lên tiếng rằng, nếu không làm tốt thì cần phải đóng cửa Formosa.”, lời của anh Huy.

Anh Huy còn cho biết thêm các vị dân biểu Đài Loan còn quan tâm đến vấn đề nhân quyền, vấn đề môi trường và sẽ tiếp tục lên tiếng để vận động dư luận quan tâm hơn nữa về vấn đề ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở Việt Nam. Ngoài các dân biểu thì còn có một số đại diện của các tổ chức lên tiếng yêu cầu cải thiện một số điều luật trong vấn đề đầu tư, trách nhiệm khi gây hậu quả cần phải phù hợp với môi trường đầu tư trong nước lẫn quốc tế. 

Nói gì về khoản tiền bồi thường của Formosa Hà Tĩnh?

Tại Việt Nam, theo nguồn tin từ báo nhà nước, Tổng cục Thuế đã có dự kiến một số biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do sự kiện ngày 13/5/2014, tức là thời điểm người dân Việt Nam từ Bắc xuống Nam rầm rộ biểu tình phản đối việc nhà cầm quyền Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép tại vùng biển Việt Nam. Cũng ở những cuộc biểu tình này, đã có nhiều danh nghiệp của Trung Quốc lẫn Đài Loan bị đập phá nên theo một văn bản của Tổng cục Thuế gửi Bộ Tài Chính, đáng chú ý Công ty Formosa Hà Tĩnh dự kiến được miễn thuế và không truy thu thuế số tiền hơn 10.450 tỷ đồng - gần tương đương với số 500 triệu USD mà Formosa Hà Tĩnh công bố bồi thường thiệt hại về sự cố môi trường vào đầu tháng 4/2016. Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đã khiến dư luận Việt Nam cho rằng, đây hẳn là sự dàn xếp giữa chính phủ Việt Nam với Formosa Hà Tĩnh để qua mắt người dân trong việc bồi thường thiệt hại.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với VNTB, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A đã bác nguồn dư luận này. Ông Quang A nói:

“Theo tôi nghĩ nguồn dư luận ấy hơi không có cơ sở. Người ta có thể gắn hai chuyện này với nhau nhưng việc bồi thường thiệt hại (sự kiện 2014) kéo dài cả mấy năm nay, việc này đã xảy ra rồi, còn việc 500 triệu USD xảy ra sau... Không phải cái chuyện thuyết âm mưu. Chuyện hoãn, miễn là chuyện có thật, không ai biết là bao nhiêu giờ mới xì ra là hai con số tương đương nhau, lẽ ra khoản ấy phải nộp, giờ như thế này thế kia, nó bồi thường một ít lúc thiệt hại giàn khoan. Như thế chỉ ở từ trên chóp (lãnh đạo cấp cao Việt Nam) chứ đâu phải mấy thằng Hà Tĩnh làm ra cái ấy, mà đố mấy thằng Tổng cục Thuế làm ra cái ấy. Cái ấy có từ lâu rồi, vụ cá chết thì Việt Nam có thể nói là giờ Formosa Hà Tĩnh đã được như thế rồi thì giờ đóng đúng nghĩa vụ thôi. Điều này có thể nhưng nếu gắn ghép vào thì hơi miễn cưỡng.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A


Khi được hỏi, liệu sự trùng hợp ngẫu nhiên này có ảnh hưởng gì đến việc bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị ảnh hưởng sau thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra hay không? Tiến sĩ Quang A nói tiếp:

“Tôi nghĩ đây là hai chuyện rời ra. Chuyện bồi thường cho ngư dân thì đầu tiên ngư dân phải đòi cái đã, phải đánh giá tôi bị thiệt như thế này và tôi đòi chứ không phải để người ta bố thí coi như cho. Đây cũng là bài học cho người dân của mình biết quyền của mình là gì?”

Tiến sĩ Quang A dẫn chứng vụ công ty Vedan cũng của Đài Loan đã xả thải làm ô nhiễm sông Thị Vải bị phát hiện năm 2008. Thời điểm này, vì tiếng nói của người dân quá ít nên kết quả cứ phó mặc cho chính phủ Việt Nam và công ty Vedan tự quyết vấn đề bồi thường. Số tiền phạt là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng là những số tiền mà Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường đã ra quyết định phạt hành chính đối với công ty Vedan tại thời điểm đó - một số tiền quá ít ỏi so với những hậu quả mà công ty Vedan đã để lại. 

Trở lại khoản tiền bồi thường mà công ty Formosa Hà Tĩnh đã công bố, dư luận cũng đặt câu hỏi tại sao đến nay kế hoạch bồi thường cho ngư dân qua sự cố thảm họa môi trường vẫn chưa công bố? Liệu rằng sự chậm trễ này là một bước tìm cách chạy tội Formosa Hà Tĩnh hay không? Tiến sĩ Quang A đáp:

“Cái đấy phải chất vấn Chính phủ hiện tại do ông Xuân Phúc đứng đầu, bản thân tôi chỉ đoán thôi, có thể người ta khó, người ta chưa có kinh nghiệm xử lý việc này như thế nào? Và không biết cách làm. Còn có thể suy nghĩ họ muốn cù nhầy, lừa… chỉ suy đoán thôi, nhưng theo tôi không nên đoán xấu bất kể ai thậm chí cả Chính phủ”

“Tôi nghĩ rằng điều này cũng cần phải cân nhắc, tiếng nói của đa số, của đông đảo người dân chưa hẳn đã là đúng cho nên Chính phủ không dứt khoác phải nghe theo tiếng nói của số đông tức nhiên phải để ý. Nhưng mà tiếng nói của số đông người chưa chắc phải là cái quyết định được, sự việc trên đời này luôn luôn là như vậy.”, lời của tiến sĩ Quang A.

Cũng như Tiến sĩ Quang A đã nói trên, anh Huy thừa nhận tiếng nói của người dân là rất quan trọng. Anh nói:“Chúng ta muốn Formosa và chính phủ Việt Nam phải công khai, phải cải tạo lại môi trường, phải đóng cửa thì trước hết những người chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp phải lên tiếng để gây áp lực cho Chính phủ Việt Nam và công ty Formosa. Các tổ chức phi chính phủ, đảng phái cần phải tích cực vận động quốc tế khi đó chúng ta mới có kết quả như mong muốn.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét