Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đã có những cuộc gặp ‘nhạy cảm’ nào ở Hà Nội

Tom Malinowski - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách các vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, vào năm nay đã có những cuộc gặp không kém “nhạy cảm chính trị” so với năm ngoái.

Phái đoàn ngoại giao Mỹ gặp những ứng viên độc lập. (Hình: Facebook Nguyen Quang A)


Nếu vào năm 2015, cũng là tháng Năm, Malinowski đã gặp hơn một chục người là đại diện cho các hội đoàn dân sự độc lập ở Việt Nam để “lấy biểu quyết” có đồng thuận Việt Nam gia nhập TPP hay không, thì vào tháng Năm năm 2016, ông đã có ít nhất hai cuộc gặp với những người từng là ứng viên độc lập quốc hội và với Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Việc giới ngoại giao Mỹ lần đầu tiên tiếp xúc một cách đại trà với những ứng viên độc lập quốc hội như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ca sĩ Mai Khôi, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, luật gia Nguyễn Đình Hà (2 người sau bị công an chặn không cho ra khỏi nhà)… cho thấy phương Tây đang mong muốn khích lệ tinh thần đòi hỏi những quyền tự do căn bản của người dân Việt Nam, không chỉ bằng lời nói mà bắt đầu những hành động cụ thể.

Cho tới trước cuộc gặp trên, toàn bộ ứng cử viên độc lập quốc hội đã bị loại thẳng thừng theo đúng phương châm của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng “không để những thành phần thế này thế khác lọt vào quốc hội”. Tuy nhiên, phong trào tự ứng cử quốc hội chưa từng thấy vào năm 2016 vẫn được giới quan sát đánh giá như một thành công “đứng dậy” và “mở miệng”, chứng minh một nghịch lý kinh khủng về “dân chủ đến thế là cùng!” của đảng cầm quyền.

Cuộc gặp thứ hai của Tom Malinowski là với Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN). Có thể ghi nhận đây là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên do Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị với riêng một tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam. 

Do tính chất ''nhạy cảm'' trên, một số thành viên của IJAVN ở Hà Nội đã bị nhà cầm quyền cản trở, thậm chí cản trở một cách khốc liệt và trắng trợn, vi phạm quyền tự do báo chí và tự do đi lại. Tuy nhiên đoàn của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vẫn có 4 người tham dự cuộc gặp gỡ này.

IJAVN ra đời vào ngày 4/7/2014. Đây là một tổ chức dân sự độc lập nằm trong khối Xã hội dân sự Việt Nam, lấy tinh thần tự do báo chí làm chủ đạo.

IJAVN có 4 chi hội chính là chi hội miền Nam, chi hội miền Bắc, chi hội miền Trung và chi hội Hải ngoại. Tại thời điểm thành lập, IJAVN có 42 thành viên, bao gồm phần lớn thành viên trong nước và một số thành viên ở hải ngoại (chủ yếu là ở Mỹ). Sau hai năm hoạt động, số thành viên đã tăng lên 91 người.

Vào thời điểm thành lập năm 2014, áp lực đối với IJAVN còn rất nặng nề. Ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch IJAVN liên tục phải chịu đàn áp mạnh từ chính quyền và công an, liên tục bị bắt giữ và bị đe dọa tống giam. Một số hội viên IJAVN cũng bị công an triệu tập, gọi hỏi và sách nhiễu, khủng bố tinh thần. Những cuộc họp và sinh hoạt định kỳ của IJAVN thường xuyên bị công an ngăn chặn, quấy nhiễu…

Trang Việt Nam Thời Báo (VNTB) là hoạt động chính của IJAVN, đã đăng tải rất nhiều tin bài về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, dân chủ và nhân quyền với tính độc lập và khách quan hoàn toàn mà không bị bất kỳ ảnh hưởng nào từ quan điểm thể hiện báo chí của đảng cộng sản. Trang VNTB cũng liên tục bị hacker tấn công và đánh sập nhất thời. 

Những cuộc gặp trên của Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski nằm trong kế hoạch hoàn tất một báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam để trình cho Tổng thống Obama. Chuyến thăm Việt Nam bắt đầu từ ngày 22/5 tới của ông Obama sẽ quyết định có tháo dỡ lệnh cấm vận mua vũ khí sát thương cho Việt Nam hay không.

Quyết định này lại tùy thuộc phần lớn vào thực tế nhân quyền ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét