Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Trao đổi với ông Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng

                                                                                                                                     VINH ANH
Đại tá, cựu chiến binh

Thượng tướng, PGS-TS Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng nói nếu Obama xin lỗi Việt Nam, ông ta sẽ là vị tổng thống dũng cảm và vĩ đại nhất nước Mỹ.

Tôi không nghĩ như vậy, thưa thượng tướng. Vì:

Có phải đến nay, ông vẫn quan điểm nước Mỹ từ bên kia đại dương, không dính líu gì đến cái xứ Đông Dương lạc hậu này, vô cớ mang quan sang xâm lược VN. Tôi cho rằng ông vẫn giữ quan điểm đó từ năm chục năm nay. (Quan điểm đó tôi cũng được biết và phải thấm từ những năm sáu mươi)

Rồi lịch sử sẽ phải phân tích và nói rõ ràng rõ cho nhân dân VN biết, với hiệp định đình chiến 1954 ở Giơ-ne-vơ, những thiếu sót và sai lầm của ta (phía VNDCCH) do hoàn cảnh lịch sử thời điểm đó mang lại, những cái gì ta chấp nhận, những cái gì ta bị ép phải chấp nhận. Tức là cũng phải nói rõ cho nhân dân VN biết, trong bối cảnh ngày đó, tại hội nghị đó, Chính phủ đã bị chi phối, bị lệ thuộc vào Liên Xô, Trung Quốc như thế nào? 

Xin nói thêm một điều rất cũ: Lịch sử chỉ xảy ra có một lần, còn người kể chuyện lịch sử, viết lịch sử, thì nhiều và ở VN rất thiếu sử gia chân chính theo cái nghĩa dám chết vì dám viết đúng sự thật. Viết đúng sẽ mang lại hậu quả như bên Tầu. (Ở đất Tề , thời Xuân Thu, ba anh em viết sử đều bị Thôi Trữ chém đầu vì không tuân lệnh Thôi Trữ, viết vào sử là không phải Thôi Trữ giết vua.)

Vậy nên rất khó nói, nhân dân VN đến bao giờ mới được biết cái điều chỉ xảy ra một lần đó. Người VN chúng ta như đã quen sống trong cái vòng u u minh minh, thông tin đơn điệu (!)

Quay lại lịch sử Việt Nam thời 1945-1975, thời kỳ này đã có những cơ hội nào tránh được chiến tranh, đã có những cơ hội nào có thể bắt tay với đồng minh, cơ hội nào nằm trong khối Liên hiệp Pháp, cơ hội nào có thể Tổng tuyển cử để thống nhất hai miền theo hiệp nghi Giơ-ne-vơ, có hay không có cơ hội hoà bình sau khi hiệp nghi Pa-ri 1972, cơ hội được nhận bồi thường chiến tranh, có hay không cơ hội tránh được hai cuộc chiến tranh biên giới … Người viết những dòng này biết rằng đời mình không có cơ hội được biết sự thật và chỉ thấy thấy thấm thía câu nói “một khi chiến tranh xảy ra, dù bên nào thắng, chỉ nhân dân là khổ, nhân dân bao gồm cả người viết”.

Vậy còn cuộc chiến tranh 1965-1975 là do Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam hay khách quan hơn, tình thế đã buộc các bên phải tiến hành chiến tranh, phân rõ phải trái bằng bom đạn. Cũng có thể hỏi thêm: bên nào đã phớt lờ các hiệp định về hoà bình cùng nhau đã ký.

Cuộc chiến tranh làm ba triệu người Việt chết, năm mươi tám ngàn người Mỹ chết là do lỗi ở phía Mỹ hết? Vì thế ông thượng tướng mới yêu cầu tổng thống Mỹ xin lỗi, phải vậy không?

Theo tôi, ông thượng tướng có cái nhìn một chiều, cũ kỹ rất phiến diện, không khách quan chút nào hết. Chúng ta đang sống trong thời đại mà thông tin có thể đến với từng người dân. Miễn là chúng ta có đầu óc phân tích, chúng ta sẽ loại bỏ được những nhiễu loạn thông tin (thông tin bẩn) mà người ta hay mang ra để hù doạ.

Có câu: “ Lời xin lỗi không có nghĩa là bạn sai, người khác đúng. Lời xin lỗi có nghĩa là bạn coi trọng mối quan hệ đó hơn những điều đã xảy ra”. Cái đáng coi trọng là mối quan hệ và thấy những gì ở tương lai. Tất nhiên là thiên về ý tốt đẹp.

Ông thượng tướng nói cái điều “giá như” nếu như Ôbama xin lỗi thì ông ta sẽ thành vị tổng thống dũng cảm và vĩ đại nhất nước Mỹ. Điều này ông bốc đồng rồi, làm tướng đến như ông mà bốc đồng là hỏng. Nước Mỹ có những tổng thống vĩ đại. Sự vĩ đại của họ mang tính nhân văn cao cả. Chắc ông biết cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ. Hành xử của bên thắng trận với bên thua trận như thế nào chứ? Chắc ông nhớ chế độ nô lệ tàn ác như thế nào và ai đã ra lệnh phá bỏ nó chứ?

Nhân đây cũng nên nói ra một điều mà chẳng phải ai cũng biết. Nước Nhật sau chiến tranh bị tàn phá ghê gớm. Người Nhật, với ý chí và lòng yêu Tổ quốc, đã đứng lên. Một người Mỹ, một ông tướng được dân Nhật tôn thờ như là một trong mười người có công xây dựng đất Nhật là ông MacActhur. Khi hết hạn ở Nhật, “người dân Tokyo đứng chật kín hai bên đường, ai nấy rơi nước mắt, họ như hoàn toàn quên chuyện tướng MacArthur là kẻ chiếm đóng đã đánh bại quân đội quốc gia mình. Thiên hoàng đích thân đến sứ quán đưa tiễn MacArthur, tướng MacArthur cũng xúc động rơi nước mắt, nắm chặt hai tay của Thiên hoàng Hirohito.

Khi đưa tiễn, Thủ tướng Yoshida của Nhật nói: “Tướng quân MacArthur đã cứu chúng tôi ra khỏi nỗi sợ hãi, lo lắng và hỗn loạn của thất bại để đưa chúng tôi vào con đường mới do ông xây dựng, chính Ngài đã gieo trồng hạt giống dân chủ trên đất nước chúng tôi để chúng tôi bước trên con đường hòa bình, tình cảm ly biệt mà nhân dân chúng tôi dành cho Ngài không lời nào có thể diễn tả được.”

Uy lực quả bom nguyên tử của Mỹ tàn phá thành phố và nền kinh tế của Nhật Bản, nhưng về phương diện tinh thần, nước Mỹ đã hoàn toàn chinh phục được người Nhật Bản”. (theo Daikinguyen.vn)

Ông Ôbama hiện nay đang ở Nhật (27/5/16), ông đến thăm Hi-rô-si-ma, nơi thế chiến II, người Mỹ đã ném xuống đó quả bom nguyên tử. Rất nhiều luồng ý kiến về chuyến thăm này của ông ấy. Có một điều trước chuyến thăm, Nhà Trắng đã tuyên bố không có lời xin lỗi, ông thượng tướng nghĩ thế nào?
Nói nhỏ với ông, đã bao giờ ông nghĩ “giá như Tập Cận Bình xin lỗi…” Tôi chắc chưa bao giờ ông nghĩ tới điều này, thậm chí, tôi còn sợ trong đầu ông vẫn có dớp của Phùng đại tướng. Mà theo thiển ý của tôi, với những điều Trung Quốc gây ra cho ta trong chiến tranh biên giới, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, trong xây dựng kinh tế, trong vô cùng nhiều cách hành xử của một nước lớn nhưng thể hiện của một kẻ tiểu nhân, Trung Quốc phải xin lỗi nhân dân Việt Nam.

Nếu tính lịch sử bốn ngàn năm, Trung Quốc phải nhiều lần xin lỗi nhân dân Việt Nam.

Có vài lời muốn trao đổi với ông.




1 nhận xét: