Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

XHDS độc lập vẫn tiếp cận ACSC/APF 2015 và Thượng đỉnh ASEAN dù bị chính quyền VN "gạt ra"

Thái Hòa (VNTB) Các hội đoàn XHDS độc lập Việt Nam dù bị nhà nước tiếp tục sử dụng tổ chức XHDS quốc doanh để gạt XHDS độc lập ra khỏi Hội Nghị Xã Hội Dân Sự ASEAN và Diễn Đàn Người Dân ASEAN, nhưng những động thái vừa qua liên quan đến tuyên bố chung của 20 tổ chức XHDS độc lập gửi đến ACSC/APF 2015, cũng như hoạt động của "Ủy ban cứu Người vượt biển" tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN và Tuyên bố 2015 trước đó của Cộng đồng tổ chức XHDS ASEAN đã cho thấy, các tổ chức XHDS độc lập Việt Nam đang "mở rộng" cánh cửa hoạt động XHDS của mình.

Các tổ chức XHDS độc lập vẫn tiếp cận Diễn Đàn Người Dân ASEAN dù bị chính quyền "gạt ra"


Vào ngày 15/11/2015, 20 tổ chức XHDS độc lập tại Việt Nam đã gởi ra một Tuyên bố chung đến Hội nghị tương tác giữa ACSC/APF 2015 và Thượng đỉnh ASEAN (diễn ra từ ngày 16-20/11/2015 ở Kuala Lumpur - Maylaysia) cho biết, ba đại diện của Hà Nội (Liên minh các tổ chức hữu nghị Việt Nam gọi tắt là VUFO) tham gia Diễn đàn lần này chỉ là "tiếng nói của Đảng Cộng sản và không phải của người dân chứ không phải của xã hội dân sự." Và bản tuyên bố cũng kêu gọi "ACSC/APF hãy tìm kiếm các giải pháp sáng tạo như sự tham gia từ xa hoặc sắp xếp các cuộc họp bàn bạc an toàn."

Liên quan đến vấn đề này, trong thông cáo báo chí ngày 15/11/2015 do nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy soạn thảo, có dẫn lời kêu gọi của ông Phạm Bá Hải, một điều phối viên của Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam tiếp tục lời kêu gọi về giải pháp nhằm đảm bảo cho các tổ chức XHDS độc lập Việt Nam hiện diện tại diễn đàn XHDS cấp khu vực.

"Chúng tôi kêu gọi ACSC / APF (Xã Hội Dân Sự/Diễn Đàn Người Dân ASEAN) để phát triển các công cụ hiệu quả để bảo đảm đại diện xã hội dân sự độc lập của chúng tôi tại diễn đàn này."

Trong khi đó, dù bị ngăn trở trong tiếp cận Diễn đàn người dân ASEAN lần này, nhưng theo trang tin Machsongonline cho biết, tiếng nói của XHDS độc lập Việt Nam vẫn đến được với hội nghị. Trong ngày đầu tiên, 6 người của tổ chức "Ủy ban cứu Người vượt biển" (BPSOS) đã phân phối bản tuyên bố chung của 20 tổ chức XHDS độc lập ở Việt Nam đến các thành phần tham gia hội nghị. Và cũng tại buổi họp mở đầu, hai nhà hoạt động XHDS người Campuchia, Myanmar đã chất vấn phái đoàn Việt Nam về việc chính quyền ngăn chặn XHDS độc lập tham gia Hội Nghị quan trọng này của xã hội dân sự toàn vùng ASEAN, đồng thời nêu ra tình trạng tra tấn và các vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.

Và việc chất vấn phái đoàn XHDS quốc doanh Việt Nam dự kiến sẽ được tiếp tục trong suốt 3 ngày diễn ra hội nghị tại Kuala Lumpur (Malaysia).

Đồng thời, phái đoàn của BPSOS tiếp tục mở chiến dịch “Not A GONGO” (Chúng Tôi Không Là Tổ Chức Quốc Doanh) để lên tiếng về tình trạng, chính quyền đứng đằng sau các tổ chức mang danh nghĩa tổ chức phi chính phủ. Đoàn BPSOS còn phát hành nhãn hiệu mầu vàng với dòng chữ “Not A GONGO” để gắn vào áo hoặc trên laptop. 

Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhấn mạnh rằng: “Sự vắng mặt của các tổ chức XHDS độc lập chính là tiếng nói dõng dạc về tình trạng bưng bít ở Việt Nam”.

Cần nhắc lại, Hội Nghị Xã Hội Dân Sự (XHDS)/Diễn Đàn Người Dân ASEAN (ACSC/APF) là nơi nhấn mạnh quyền làm chủ của con người, và tìm sự thúc đẩy xã hội dân sự nhằm đảm bảo quyền con người trong khu vực ASEAN. 

Trước đó, vào tháng 1/2015, trong tuyên bố 2015 của Cộng đồng tổ chức XHDS ASEAN với chủ đề "Cộng đồng ASEAN phục vụ người dân" đã thẳng thắn đề cập đến tình trạng người dân ASEAN tiếp tục phải "tiếp tục gánh chịu các chế độ độc tài và quân phiệt, tình trạng quân sự hoá gia tăng, bạo lực và xung đột vũ trang, sự can thiệp ngoại lai phi pháp, sự thiếu các quyền tự do căn bản và các vi phạm nhân quyền, các tiến trình phi dân chủ, sự quản lý quốc gia kém và nạn tham nhũng, bất công trong phát triển, nạn kỳ thị, sự bất bình đẳng, và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và tình trạng bất dung." 

Tuyên bố này cũng có nhắc đến những con số "đáng lo ngại" về sự hạn chế hoặc khước từ "quyền tự do ngôn luận và thông tin, tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, hội họp ôn hoà, và lập hội, cả trong không gian trực tuyến và ngoài đời." Đồng thời cũng chỉ trích luật ở "một số quốc gia" đã khước từ quyền thành lập các tổ chức XHDS, các phong trào quần chúng, các định chế tôn giáo độc lập, các đảng chính trị, và các công đoàn tự do và độc lập.

ACSC / APF là Diễn đàn, Hội nghị giải quyết các vấn đề xung quanh hòa bình, công lý và nhân quyền, phát triển và dân chủ hóa trong ASEAN hướng tới việc đạt được hòa bình và phát triển bền vững.


Xem thêm: 
Tiếng nói của XHDS Việt Nam vẫn đến được với hội nghị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét