Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Hội nhà báo độc lập VN sinh hoạt định kỳ tháng 11/2015: Khẳng định quyền tự do lập hội

Kiều Phong 

(VNTB) - Sáng ngày 07/11/2015, Hội nhà báo độc lập Việt Nam đã tổ chức cuộc họp định kỳ tại quán cà phê Lọ Lem, 345 Nguyễn Trọng Tuyển, Sài Gòn. Cuộc gặp mặt do phó chủ tịch hội, nhà thơ Bùi Minh Quốc chủ trì. 

Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp (tính từ cuộc họp tháng 9/2015) Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng đến dự được cuộc sinh hoạt định kỳ của Hội nhà báo độc lập Việt Nam, trong khi trước đó anh luôn bị công an ngăn chặn trái phép.

Nhận định về các sự kiện thời sự 

Trong phần đầu tiên, các nhà báo lão thành đã phân tích về cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình. Những người xuống đường đã bị đàn áp và bị đổ máu. Nhà báo Lê Phú Khải phân tích rằng cuộc đàn áp biểu tình lần này do bàn tay của phe côn đồ chính trị gây ra. Kẻ đang kiểm soát ngành công an muốn thay thế cảm thức về công lý bằng các loại dùi cui và gậy gộc. AnhTrần Bang, một học trò của ông và cũng là một nhà đấu tranh, đã bị hành hung tàn nhẫn. 

Nhiều người xuống đường thể hiện lòng yêu nước cũng bị bắt giữ. Nhà báo Huỳnh Công Thuận chỉ ra cái sai của công an. Thứ nhất, không ai bị giam giữ mà không có giấy triệu tập của bộ công an hoặc có trát của tòa án. Thứ hai, nếu là giam giữ hành chính một người thì không được quá 12 giờ. Có nhiều người biểu tình bị giam giữ trên 24 giờ. Điều này là vô lý vì nó chỉ được áp dụng gia hạn đối với hải đảo, vùng sâu vùng xa. Công an đã không tuân thủ các điều kiện trên, họ giam giữ người quá lâu mà không đưa ra được một quyết định truy tố hình sự. Điều đó là thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật, nếu không muốn nói là phạm pháp. Những nạn nhân của bạo hành, bắt giam trái phép và những người bị cản trở tự do đi lại sẽ lập thư khiếu nại gửi đến chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Thiếu tướng, giám đốc công an TPHCM Lê Đông Phong sẽ bị người dân yêu cầu phải nhận trách nhiệm về những cuộc đàn áp trong thời gian qua, nhất là trong hai ngày biểu tình ở TP.HCM. 

Khuynh hướng dân chủ không thể cấm cản, chính nhà cầm quyền cũng đã nhận ra điều này và không còn dám đàn áp vô cớ một số hội đoàn ôn hòa. 

Trong thời gian qua, một sự kiện tôn giáo đáng chú ý là thắng lợi bước đầu của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm trong việc phản đối chính quyền quận 2, TP.HCM đập phá cơ sở giáo dục của nhà dòng này. Trước áp lực của các tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước, lãnh đạo TP.HCM không dám làm to vụ Thủ Thiêm. Thế nhưng, nếu linh mục quản dòng và các xơ không tiếp tục đấu tranh quyết liệt thì khó có thể lấy lại nguyên vẹn cơ sở họ cho chính quyền mượn trước đây. 

Làm sao để có được một tiến trình dân chủ hóa ít đổ máu? Nhà thơ Bùi Minh Quốc lo lắng cho tình trạng vô chính phủ trong thời gian ngắn sắp tới. Những kẻ lưu manh chính trị và tay sai Đại Hán sẽ gây không ít rối loạn. Nhà báo Lê Phú Khải cho rằng Trung Quốc lo cho thân mình còn chưa xong. Người dân Trung Quốc phải rời bỏ đất nước để đi tị nạn môi sinh. Đại họa Trung Quốc không phải là chính trị mà là môi trường. 28 000 con sông ở Phương Bắc đã cạn nước. Đó là hậu quả của đường lối phát triển bất chấp môi trường. 

Khả quan công đoàn độc lập 

Nhà báo độc lập Nguyễn Thiện Nhân là người theo sát tình hình về luật công đoàn. Anh nhận định rằng công đoàn độc lập sẽ ra đời vì yếu tố quốc tế. TPP là 12 nước chứ không riêng gì Mỹ. Luật gia, nhà báo Cao Minh Tâm - đại diện ban cải cách thể chế của Hội nhà báo độc lập Việt Nam - cho biết lần này các điều luật quốc tế trong TPP sẽ được thi hành ngay. Đã có cam kết rằng chỗ nào trong luật Việt Nam không phù hợp thì khi đó chiếu theo điều ước quốc tế để áp dụng, mà luật quốc tế thì rất chi tiết. Công đoàn độc lập theo đó phải được đảm bảo ra đời. Cũng theo luật gia Cao Minh Tâm, bấy lâu nay hầu hết người dân Việt Nam đều có sự nhầm lẫn trong cách hiểu khái niệm công đoàn. Ông khẳng định rằng công đoàn chắc chắn là tổ chức chính trị. 

Tuy vậy, truyền thông nhà nước Việt Nam bề ngoài công bố nội dung TPP, nhưng lại giấu nhẹm các điều luật về công đoàn độc lập.Phụ trách nhân quyền của ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski khẳng định: “Chúng tôi có cách để bắt buộc Việt Nam tuân thủ các điều luật trong TPP”. 

Nhà báo Kha Lương Ngãi dự đoán sắp tới đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn muốn chi phối công đoàn. Trước hết họ sẽ gây khó khăn và gây sức ép tác động qua luật lập hội. Những người thành tâm không vào được công đoàn độc lập vì các viên chức công đoàn quốc doanh đã giả dạng để đóng vai mới. 

Bên cạnh công đoàn độc lập, nhà nước cũng phải công nhận các tổ chức xã hội dân sự khi Việt Nam tham gia TPP. 

Học giả Lê Phú Khải đưa ra một so sánh về tác dụng của các hội đoàn. Đó là, Việt Nam có những 500 ông tướng công an nhưng xã hội đầy rẫy tội phạm. Trái lại, chỉ cần một đại tá đứng đầu ngành công an, nước Pháp đã bước tới văn minh. Ngành công an ở Pháp chỉ là bán quân sự, trái hẳn với tình trạng công an trị đẫm máu tại Việt Nam. Các cơ quan nhà nước của Pháp không phải làm việc nhiều là nhờ 600 000 hội đoàn trên khắp lãnh thổ Pháp. Chẳng hạn, nền nông nghiệp Pháp được lãnh đạo bởi một đại diện được đề cử các Xanh-đi-ca nông nghiệp ( các chủ trang trại lớn ở Pháp). 

Dự kiến vào tháng 12/2015, Hội nhà báo độc lập Việt Nam có thể tổ chức một hội thảo về việc luật hóa quyền tự do lập hội và điều chỉnh luật công đoàn. 

Tổ chức hội thảo về quyền tự do lập hội 

Mỗi lần sinh hoạt Hội nhà báo độc lập Việt Nam là một lần các hội viên lâu năm trong nghề chia sẻ kinh nghiệm với các phóng viên trẻ. Nhà thơ, nhà báo kỳ cựu Bùi Minh Quốc yêu cầu các cây bút mới vào nghề nên tác nghiệp thực tế để trưởng thành, và khi có kinh nghiệm sẽ đào tạo lớp kế cận. Vị “trưởng lão” nhấn mạnh rằng đào tạo một nhà báo tự do rất khác so với đào tạo một nhà báo quốc doanh rất nhiều vì những nguy hiểm mà anh ta có thể gặp phải. 

Nhà báo Lê Phú Khải định nghĩa rằng nhà báo đích thực là người làm chính trị nhưng không mưu đồ quyền lực. Nhà báo đó sẽ được nhân dân ủng hộ khi anh ta điều tra tìm ra sự thật. 

Cựu phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, nhà báo Kha Lương Ngãi nhấn mạnh sứ mệnh của người viết báo độc lập là chống lại các xu thế bán nước cướp nước, đồng thời ủng hộ những xu thế làm cho đất nước tiến lên theo chiều hướng tiến bộ. 

Khách mời của cuộc họp lần này là Hòa thượng Thích Không Tánh. Sư thầy Thích Không Tánh là trụ trì chùa Liên Trì và đại diện cho hội đồng Liên Tôn Việt Nam. Phát biểu với các nhà báo độc lập Việt Nam tại Sài Gòn, sư thầy nhận định rằng chế độ độc tài toàn trị không có tự do báo chí. Đất nước không có nhân quyền, tự do dân chủ, căn bản nhất là vì không có tự do ngôn luận và tự do báo chí. Sư thầy bày tỏ sự cảm kích trước những cố gắng của Hội nhà báo độc lập Việt Nam để có được một trang tin có tính thời sự và độ tin cậy cao là trang Việt Nam Thời Báo. 


Xem lại: 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét