Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Tuấn Khanh - Người Việt cố giàu lên, để làm gì?




Trong những ngày mưa ngập lụt lội nhiều nơi tại Việt Nam, có một người đàn ông đi xe hơi hạng đắt tiền đã giận dữ bỏ đi giữa làn nước, vốn đã lên đến thắt lưng, để lại chiếc xe của mình một cách đau đớn bất lực. Như hàng vạn người nghèo khó khác đã ngụp lặn, lội qua giòng nước ô nhiễm đó, chèo kéo từng chiếc xe honda, xe đạp của mình để về nhà, người đàn ông đó chắc cũng có chung một câu hỏi không lời đáp về tương lai mà tiền của là vô nghĩa trước những biến động đang ập đến ngay cửa nhà mình.

Qua những biểu đạt than phiền về ngập lụt khắp nơi, qua các trang mạng hay báo chí, có thể thấy rằng không phải con người Việt Nam đã quá sức chịu đựng, mà họ như sực tỉnh trước một giấc mộng dài được vỗ về bởi những người lãnh đạo về sự hoa lệ của đô thị, về những chỉ số phát triển… nhưng chỉ trong tíc tắc đã lộ ra rằng mọi thứ chỉ là sân khấu tạm thời rực rỡ. Khi cánh màn nhung và những lời tuyên bố vừa dứt, hiện thực đã hiện ra tàn nhẫn với tương lai về nhà đen ngòm.

Người Việt rầm rộ làm giàu từ nhiều năm nay, tập bỏ quên mọi thứ khác chung quanh mình, mà tưởng chừng miếng cơm manh áo no đủ sẽ giải quyết tất cả, nhưng mọi thứ lại không phải như vậy.

Chưa bao giờ người Việt ào ạt in và ngấu nghiến đọc những công thức dạy làm giàu, dạy thành đạt như bây giờ. Thậm chí liều thuốc cường dương dựng đứng giấc mơ thành đạt của Mã Vân (Jack Ma) cũng được nhắc đi nhắc lại như một kim chỉ nam “quá 35 tuổi mà còn nghèo là tại bạn”. Thế nhưng những phong trào uống, chích các loại thuốc như vậy không hề có việc ghi chú chống chỉ định rằng việc thành đạt nóng, phải giàu có cho bằng được đôi khi cũng tạo ra loại ác thú núp kín sau bộ mặt niềm nở với đồng loại của mình.

Rất nhiều người trẻ ở Việt Nam muốn nhanh giàu có, nên đã bơm hoá chất vào heo gà và rau xanh, hoặc trở thành những kẻ cướp máu lạnh. Tệ hơn nữa là những kẻ luồn lách và làm giàu bằng gian lận và tham nhũng tiền thuế của nhân dân. Làm giàu và khoe giàu đã trở thành một tín chỉ quan trọng để vuơn lên, leo vào một chuồng trại khác trong xã hội Việt Nam hôm nay. Già hay trẻ cũng vậy! Sự tôn thờ vật chất đã có rất nhiều ví dụ đau lòng như con giết cha mẹ để lấy nhà, lấy đất cho đời thụ hưởng.

Nhưng rồi sự giàu có đó, sự tách biệt hãnh tiến đó bất chợt vỡ toang như những chiếc bong bóng xà phòng khi cơn mưa đem lụt lội đến. Họ nhận ra rằng mặt bằng cuộc sống không an sinh, khônh có gì cân bằng với giáo dục, môi trường, an ninh… Mọi hợp đồng bảo hiểm chỉ là trò tận thu chứ không hề cứu rỗi lúc tai ương. Mọi lời hứa vĩ đại trôi qua năm tháng, chìm vào hiện thực. Tương tự như sự kiện “ngày đen tối” của thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong tháng 9/2015 với gần 10 tỷ USD bốc hơi trong vài ngày, đã nhắc khéo rằng dường như mọi lâu đài đang được dựng lên bằng ảo tưởng của một đám đông, và bằng thực tế đáng giá của một vài kẻ đứng sau cánh gà.

Một chị bạn để dành được ít tiền sau những năm dài vật lộn mưu sinh, đã gọi hỏi tôi rằng có cách nào đưa con đi du học nước ngoài thật nhanh. Khi tôi hỏi lý do vì sao chị gấp gáp như vậy, thì câu trả lời – không phải của riêng một người – rằng chị cảm thấy lo lắng và muốn đưa con đến một môi trường sống và giáo dục tốt hơn. Một thế hệ mới của người Việt đang tự cào cấu với khát vọng đổi thay cuộc sống của mình nhưng bất lực, nên đành chọn cách chạy đi?

Câu chuyện của chị bạn xảy đến cùng lúc với tin những học trò nghèo ở Huế chưa đóng được học phí bị bêu tên dưới cột cờ. Công ty Tôn Hoa Sen kêu gọi từ thiện nhưng chặn nguồn nước của dân thiểu số ở Đạ Mri đế ép lấy đất. Công ty Tân Hiệp Phát thì thay vì xin lỗi người tiêu dùng, bãi nại cho người tố cáo sản phẩm lỗi bị gài bẫy đi tù… thì thay giám đốc người nước ngoài để rửa mặt. Và ở Hà Nội, quan lại chia nhau cai trị trong họ hàng của mình ở huyện Mỹ Đức.

Đã có bao nhiêu người Việt đang gắng làm giàu, chỉ để tìm cách cho mình hay con em mình rời xa quê hương? Chắc không ít, và cũng chắc chắn không phải là một khuynh hướng tạm thời.

Nhan nhãn trên các trang báo, cũng như tin nhắn rác, là các dịch vụ môi giới đầu tư hay học nghề… ám chỉ việc ra đi, định cư ở nước ngoài. Một người bạn làm công việc này cho biết lượng người gọi vào, tìm hiểu, làm đơn hay hy vọng đang tăng đến mức kinh ngạc, thậm chí diện EB-5 của Mỹ, đòi hỏi phải có ít nhất 500.000 USD cũng vậy . Trong các bài phóng sự đuợc dịch từ báo nước ngoài cho thấy người Trung Quốc làm ra tiền đang ùn ùn tìm cách chuyển tài sản ra khỏi nước hoặc tìm cách di cư sang các nước phương Tây. Chỉ tính trong 10 năm, từ năm 2000 đến 2011, Trung Quốc đã chảy máu hơn 3.500 tỷ USD do người giàu Trung Quốc chuyển ra ngoài.

Chưa có con số thống kê nào về người Việt Nam nhưng tin tức vẫn hay hé mở cho biết các đại gia Việt luôn trong thế “an toàn” khi tất cả nhà cửa, tài sản, gia đình… được sắp xếp ở Mỹ, Canada… thậm chí ở ngay Singapore. Cũng như người Trung Quốc, họ đã cố gắng làm giàu bằng mọi cách trên quê hương mình nhưng không chọn tồn tại ở nơi đó. Điều này có ý nghĩa gì?

Có cái gì đó thật khó nghĩ về cách vồ vập muốn làm giàu của người Việt hôm nay, kể cả cách sau đó họ che mặt ra đi, bất chấp Việt Nam vẫn đang sáng rực tên trên các bản tin bình chọn là một trong những quốc gia hạnh phúc và đáng sống nhất thế giới.

Trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân, đời thật đẹp với những chùm khế ngọt. Nhưng dường như một lớp người Việt hôm nay không chỉ tranh nhau hái trái, đốn hạ cây mà âm mưu sở hữu bán cả mảnh đất cha ông đã trồng cây để đầy túi. Nhưng lạ thay, sau đó họ lại lặng lẽ gói ghém ra đi thật xa. Người Việt đang cố gắng làm giàu thật nhanh rồi như vậy, vì sao?

Xin đừng ai trả lời. Đừng nói một lời nào cả. Chúng ta hãy cùng lặng im và suy ngẫm.




Trên con đường dài dẫn ra biển Hungtington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt. Họ là những người rất trẻ, hoặc đó là những gia đình bình thường nhưng sống khép kín. Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của “Việt cộng”.

Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn 1 triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình. 

Phần lớn những người này đều nói giọng miền Bắc, mới. Họ có một lối diễn đạt thời thượng thật dễ gây ấn tượng. Anh bạn tôi, một người làm real estate – môi giới mua bán bất động sản ở Mỹ – kể lại cuộc trò chuyện với một khách hàng như vậy, và được biết nhà được mua ngay bằng tiền mặt, mà người khách dằn giọng “tiền tươi!”.

Không chỉ ở nơi đó, nhiều năm gần đây, cộng đồng Việt Nam ở Texas cũng hay nói với nhau rằng khu Bellaire đang ngày càng nhiều những người chạy khỏi Việt Nam hợp pháp như vậy. Thậm chí, không chỉ xuỳ tiền nhanh để mua nhà – lớp người này rất nhiều tiền – họ mua luôn các cơ sở thương mại. Từ các tiệm nail với giá vài chục ngàn cho đến các siêu thị giá trên chục triệu USD, một thế hệ khác chính kiến, khác tư duy đang len lỏi vào các cộng đồng Việt Nam chống Cộng để mong an cư và sinh tồn. Nơi quần cư cho tiếng Việt, văn hoá Việt không chấp nhận chế độ cộng sản mà nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từng gọi là “một Việt Nam bên ngoài Việt Nam”.

Có lẽ vì vậy, mà ở các khu người Việt như vậy, biển quảng cáo của các luật sư di trú ngày càng nhiều. Trên đài phát thanh hay truyền hình cũng ra rả các lời mời tư vấn tìm hiểu cách lấy thẻ xanh để được ở lại nước Mỹ.

Sẽ là một điều chua chát, nếu nhìn lại lịch sử. Dù nước Mỹ vẫn bị gọi là thua trận và bị “đuổi” khỏi Việt Nam theo các văn bản tuyên truyền, nhưng đích đến giờ đây của nhiều quan chức Việt Nam vẫn là nước Mỹ chứ không là đồng minh số một Trung Quốc. Thậm chí các quan chức, giới tư bản đỏ hiện tại của Việt Nam còn bỏ ra rất nhiều tiền để được trụ lại quốc gia thù địch đó, cho mình là cho con cái của mình. 

Nhiều người Việt Nam sống bằng đồng tiền lương thiện ít ỏi của mình tại Mỹ đã ngạc nhiên hỏi rằng “họ là ai, sao giàu vậy”. Thật không dễ trả lời. Trong những người đến Mỹ hay bất kỳ quốc gia phương Tây thù địch nào khác, có những người làm mọi cách như một cuộc tỵ nạn về an sinh, giáo dục… nhưng cũng có những người chạy đi, để âm thầm đào thoát khỏi lý tưởng của mình.

Anh Mến, một người sống ở Kansas chỉ hơn 10 năm, trong một cuộc gặp ngẫu nhiên đã thảng thốt kể rằng anh chứng kiến những người Việt đến Mỹ mua một lúc 2,3 căn nhà. Thậm chí họ còn luôn đón mua hàng chục chiếc Iphone đời mới nhất để gửi về, so với anh đến nay vẫn còn mắng con khi thấy chúng xài viết chì được phân nửa đã vứt đi. “Việt Nam bây giờ dễ kiếm tiền lắm hả anh?”, anh Mến ngơ ngác hỏi.

Thật khó mà giải thích với anh Mến, dù cùng là người nói tiếng Việt với nhau. Vì ngay ở quê hương lúc này, hàng triệu người đang nuốt các bữa ăn công nhân hàng ngày tệ bạc đến mức như công khai bào mòn tuổi xuân của họ. Những vùng quê đói nghèo phải xin gạo trợ cấp mỗi năm, nhưng đầy dẫy các quan lớn vẫn lên nhà cao, tậu xe to và viết các dự án xây tượng đài hàng ngàn tỉ.

Trường St Polycarp ở thành phố Staton, Quận Cam, là một trong những trường tư thục Công giáo mà nhiều gia đình người Việt dù tốn tiền nhưng vẫn hay gửi con vào vì mong chúng học kiến thức, và học được cả đức tin. Thỉnh thoảng, cũng có những gia đình đem con đến và cho con cái làm quen với Jesus thay cho học tin vào một lãnh tụ. Năm ngoái, chiếc xe đỗ trước cửa trường đưa đứa trẻ vào học, có cả ông bà theo để xem nơi học thế nào. Đó là những người vẫn còn mang đậm phong thái cán bộ với quần áo, giày dép vả cả giọng nói. 

Khi gia đình này bước qua sân trước, vòi nước tự động tưới cây bất ngờ bị hư, nên làm tràn ra một vũng nước. Người phụ nữ lớn tuổi bước qua, càu nhàu “Thế này là không được. Phải nói nhà trường xem lại coi chứ thế này thì đi hư hết cả giày”. Thấy tôi là người Việt, đang đứng gần ở nơi bán hàng gây quỹ cho trường, nên bà nói luôn “Anh có làm ở đây không, anh nên nói với ban giám hiệu”.

Tôi nhớ đến Sài Gòn, Hà Nội… nhớ những ngày nước ngập lụt lội đến tận giường. Nhớ đến những mùa nhập học hàng ngàn phụ huynh vật vã, lê lết khắp nơi chạy trường cho con mình, dù phải gửi lót tay. Có lẽ người Việt đã quen sống vất vả và chịu đựng nên mọi thứ quen dần, đến khi tiếp cận với một đời sống tự do và dân chủ, ai cũng hăng hái tìm và thể hiện quyền của mình. Dĩ nhiên vòi nước được sửa ngay sau ấy không lâu, mà ban giám hiệu không đổ thừa cho biến đổi khí hậu hay thiếu tiền ngân sách. Gia đình đó khi quay lại hôm sau, chắc sẽ hài lòng và nghĩ mình được tôn trọng, khác với những ngày tháng mà bao nhiêu người dân ở quê hương giận dữ với hiện trạng nhưng thấy mình luôn bị biến thành trò hề. Bài học của cuộc sống đơn giản hiện rõ trên gương mặt của gia đình đó, mà tôi thấy, là sự tự tin và quyền của con người, có thể rất khác khi họ ở Việt Nam, bị cảnh sát giao thông ngoắc xe vào vô cớ, đã vội móc túi tìm vài trăm ngàn để lướt qua nan đề thật nhanh.

Một trong những câu nói nổi tiếng của nhà văn, diễn thuyết gia John Mason, cũng là tựa đề một quyển sách nổi tiếng của ông, có tựa đề “Bạn được sinh ra như một nguyên bản, vậy đừng chết như một phiên bản” (You were born an original. Don’t die a copy) có lẽ là một trong những động lực thúc đẩy âm thầm nhưng mãnh liệt trong lòng người Việt từ nhiều đời nay. Đã có rất nhiều người ra đi, để được thấy mình và con cái của mình được sống như là chính mình, như một nguyên bản. Nhiều năm sau 1975, vẫn có những dòng người ra đi rất xa khỏi quê hương để tìm lại phần nguyên bản của mình. 

Nghèo khó, họ có thể thành người rơm ở Anh hay bị xua đuổi ở Campuchia. Giàu có, họ trở thành những kẻ lưu vong hoặc nhấp nhổm với cuộc sống mới mà mắt vẫn đau đáu về quê nhà. Lịch sử thế giới chắc sẽ lại phải ghi thêm một chương kỳ lạ. Con người và muông thú lên thuyền ông Noah để gột sạch mình cho một thế giới mới, nhưng người Việt hôm nay lại lặng lẽ lên chiếc thuyền mong cứu chuộc nguyên bản của đời mình, cứu chuộc một cuộc sống đơn giản, thật thà và tự do.

Nhưng tại sao chúng ta không thể là nguyên bản ở quê hương mình? Vì sao chúng ta phải sống không là mình nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Tôi đang hình dung người đàn ông có xe hơi đắt tiền không bỏ xe giữa con đường ngập nước ở Sài Gòn mà ông ta cùng nhiều con người nữa đang ướt sủng sẽ đi thẳng đến cơ quan nhà nước để hỏi rằng vì sao? Tôi hình dung gia đình Việt Nam di cư đến Mỹ đó sẽ không chất vấn một ban giám hiệu ngoại quốc về của công, mà sẽ cất tiếng nói như vậy trên chính đất nước mình? Một cuộc sống thật và đơn giản – nguyên bản vì sao đang phải bị đánh tráo bằng những phiên bản vô hồn và nhạt nhẽo?

Chúng ta được dặn dò hãy chỉ nên lo làm ăn, và đừng quan tâm đến chuyện gì khác. Và nhiều người Việt đã rất mất rất nhiều thời gian để làm được điều đó rồi giật mình nhìn thấy thế giới này không chỉ no đủ là tất cả. Không ít người giàu có, thậm chí quan chức đã dồn tất cả để ra đi và đổi một cuộc sống khác. Thậm chí đó là cuộc sống mà trước đây họ bảo vệ và coi những kẻ từ bỏ, ra đi là thù nghịch.

Cuộc sống đang như vậy. Rất hiện thực. Khi viết một bài trước đây, một bạn trẻ, có khuynh hướng dư luận viên, đã nhắn cho tôi “vậy cứ nghèo đi, nghèo hoài đi”. Dĩ nhiên, đó lại là một khái niệm khác, mà nếu hiểu những gì tôi viết ắt bạn trẻ ấy sẽ không nói như vậy. Vì câu hỏi của tôi rất rõ rằng chúng ta – người Việt, đang cố giàu lên và sau đó là gì?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét