Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Việt Nam sẽ phải phá giá tiền đồng sâu đến đâu?

Ngay sau khi Bắc Kinh tung ra cú phá giá 3 lần liên tiếp đối với đồng Nhân dân tệ với độ sâu đến 4,5%, huyết mạch tài chính và nền kinh tế Việt Nam lập tức chao đảo theo.



Ngày kỷ niệm thành lập Lực lượng công an nhân dân 19/8 cũng trùng với thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ‘phá’ thêm 1% tỉ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng VN với đôla Mỹ, nới biên độ tỉ giá từ +/-2% lên +/-3%.

Có vẻ như tình hình đã đến lúc ‘không còn gì để mất’. Nếu từ cuối năm 2014, đầu năm 2015 đến gần đây, NHNN đã nhấp nhổm tăng tỷ giá, nhưng còn dè dặt vì sợ sẽ khiến tăng lạm phát, và do đó sẽ làm dư luận và Quốc hội phản ứng, thì chính thủ đoạn phá giá Nhân dân tệ của Trung cộng đã được biến thành một cái cớ trời cho, để Việt Nam hợp thức hóa xu thế trượt giá VND.

Hầu như ngay lập tức, biện pháp xử lý tình huống ‘linh hoạt và uyển chuyển’ của NHNN đã được một số cơ quan báo đài quốc doanh, giới chuyên gia ‘phản biện trung thành’ ca ngợi, như một liều thuốc kịp thời để giúp tăng xuất khẩu. Tuy thế, đó chỉ là đầu môi chót lưỡi của những người trực tiếp hoặc gián tiếp liên đới với các nhóm lợi ích, đã tung hoành ở Việt Nam từ nhiều năm qua.

Trong thực tế, có đến hơn 50% xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. Do vậy, giá trị xuất khẩu có tăng, thì giới doanh nghiệp trong nước - được coi là ‘nội lực’ - cũng không thể chiếm tỷ trọng lớn, và không thể hưởng lợi nhiều.

Hoàn toàn trái ngược, nhập khẩu sẽ bị thiệt hại và ngày càng thiệt hại nặng nề. Trong đó chủ yếu là khối doanh nghiệp không từ bỏ được thói quen xấu xí, nhập khẩu nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng từ Trung cộng.

Chỉ mới 7 tháng đầu năm 2015, giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung cộng đã lên đến 19 tỷ USD, vượt hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 4 tỷ USD, và đang làm nên một kỷ lục chưa từng thấy trong quan hệ ‘Bốn Tốt’. Đây chính là thất bại hiển thị nhất, và khó được bảo chữa nhất đối với giới quản lý kinh tế Việt Nam.

Động tác tăng biên độ tỷ giá của NHNN có thể được hiểu là dấu hiệu rất rõ để tiếp tục phá giá đồng tiền sâu hơn, bất chấp triển vọng rất sáng sủa cho lạm phát tăng mạnh, và kho dự trữ 37 tỷ USD của NHNN chẳng biết để làm gì.

Trong lịch sử điều hành chính sách tỷ giá trước các biến động lớn, NHNN đã thường mở rộng biên độ tỷ giá. Vào năm 1997, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, NHNN nhanh chóng nới biên độ tỷ giá từ +/-5% lên +/-10%. Gần hơn, như năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu xẩy ra, NHNN cũng liên tục nới và nới rộng biên độ tỷ giá, từ +/-0,75% lần lượt lên tới +/-5%.

Một dự báo gần đây của tiến sĩ Alan Phan - Việt kiều Mỹ - cho rằng có khả năng trong thời gian tới, VNĐ sẽ bị phá giá đến 10%, tương đương với khả năng ‘tự sụt giá’ của Nhân dân tệ là 12%.

Nếu chiến dịch tự phá giá trên xảy ra, hiển nhiên tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ Trung cộng sẽ còn thê thảm hơn nhiều trong tương lai rất gần. 

Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét