Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

KIỂM TRA HỘ KHẨU

                                                                                                                              Truyện ngắn

                                                                                                                Nguyễn Tường Thụy

Con Mích sủa lên ba tiếng bỗng dưng im bặt. Chị Lựu lo lắng. Điều này chỉ có thể là cướp. Dấu hiệu hệt như lần gặp cướp năm ngoái. Con Mích nhà chị cũng sủa lên một hồi ngắn rồi chẳng hiểu sao, nó lủi ngay ra sau vườn nấp.

Ba tên cướp mặt mày dữ tợn, xăm trổ đầy mình đạp cửa bước vào, dao nhọn lăm lăm trong tay:

-Tiền vàng đâu đưa hết đây.

Vợ chồng chị đứng ngây ra không biết phải xử lý thế nào vì quá bất ngờ. Thảng thốt một lúc, chị mới nói được câu:

-Nhà nghèo… có gì lấy được các anh cứ lấy… chúng tôi chẳng chống.

Chúng nhìn chòng chọc vào cổ, vào tay chị thấy chẳng có ly vàng nào liền chia nhau xông vào các phòng. Lục lọi hồi lâu không có gì. Sờ khắp người anh Kha (chồng chị) cũng không có gì. Móc túi chị được mấy đồng bạc lẻ, chúng ném toẹt xuống nền nhà, tiện chân đạp anh Kha một cái làm anh ngã dúi vào góc tường:

-Cảnh cáo mày về tội nghèo. Phí cả công chúng tao.

Ngôi nhà mà chị đang ở là của bố mẹ chồng để lại. Từ khi ruộng bị thu hồi để làm dự án Khu đô thị thì nhà chị lâm vào cảnh túng quẫn. Nhà nông không có ruộng lấy gì mà sống. Bàn ghế, tủ, điều hòa, xe máy lần lượt đội nón ra đi. Người lạ nhìn ngôi nhà khá khang trang so với các nhà xung quanh trong xóm nghèo cứ nghĩ là nhà chị có của ăn, của để.

Lần này, con Mích cũng sủa lên rồi im bặt. Chó mà không dám canh nhà chỉ có thể là gặp cướp. Nếu là cướp chắc là toán khác, vì toán năm ngoái lạ gì gia cảnh nhà chị.

Tiếng gõ cửa khô khốc trong bóng đêm nghe rờn rợn. Tim chị đập thình thịch, lòng nóng dội ngược lên. Chị chưa kịp tính xem có nên mở không thì một giọng gay gắt:

-Mở cửa ra! Công an đây!

Không phải vỏ dưa thì cũng vỏ dừa. Chân tay chị vẫn tiếp tục run bắn. Không hiểu công an đến nhà chị vào lúc khuya khoắt thế này có chuyện gì. Loay hoay mãi, chị mới mở được cửa. Ba người đàn ông bước vào. Một người mặc sắc phục xanh còn hai người mặc thường phục.

Chị Lựu cầm chiếc ấm sứt vòi định rót nước ra cốc. Người mặc sắc phục gạt đi:

-Thôi khỏi. Vào việc luôn cho nhanh. Tôi là công an huyện, đồng chí này là trưởng công an xã, còn đồng chí kia là cảnh sát khu vực. Chúng tôi đến để kiểm tra hộ khẩu. Trước hết, yêu cầu chị cho xem sổ.

Chị Lựu vào lục chiếc hòm gỗ hồi lâu rồi quay ra đưa cho viên công an huyện một quyển sổ màu xanh dương, bé bằng nửa tờ giấy A4. Anh ta mở ra:

-Nhà này có hai người thôi à? Chồng chị đâu?

-Dạ, con gái đã đi lấy chồng, còn nhà em mới mất tháng trước.

Cậu cảnh sát khu vực nhanh nhảu xác định:

-Đúng đấy anh ạ. Anh ta chết trong vụ tai nạn giao thông hôm mùng ba tháng hai.

Trưởng công an xã hỏi:

-Vậy cô đã làm thủ tục khai tử chưa?

-Dạ chưa, em cứ tưởng chết rồi thì thôi. Mới lại tang gia đang bối rối quá.

-Thôi là thôi thế nào. Nhà nước quản lý trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện. Cái gì cũng phải có quy định. Không thì xã hội loạn à.

Nói đoạn, anh ta cầm quyển sổ hộ khẩu đang để trên bàn, lật lật:

-Sinh năm bảy tư à? Bốn mươi mà góa bụa cũng uổng nhỉ. Thôi, để hôm nào rảnh, tôi đến hướng dẫn thủ tục khai tử cho. Hôm nay chỉ kiểm tra hộ khẩu thôi.

Vừa nói, anh ta vừa nhìn chòng chọc vào bộ ngực căng đầy của chị. Hai nốt chấm hồng hồng nổi lên dưới lớp áo phông mỏng như hai nửa trái sim chớm chín nói lên ngực chị đang trong tình trạng thả lỏng.

Cảm nhận đang bị trưởng công an xã quan tâm, chị Lựu đỏ mặt chạy vào nhà trong khoác thêm chiếc áo ngoài, mặc dù trời khá nóng.

Công an huyện hỏi:

-Chứng minh thư đâu?

Chị Lựu ngơ ngác:

-Sao lại còn phải chứng minh thư nữa ạ?

-Không thì lấy gì làm bằng chứng để biết chị là Vũ Thị Lựu. Nhỡ chị là khách đến trông nhà hộ thì sao?

Chị Lựu lại vào lục chứng minh nhân dân ra.

Viên công an huyện chẳng cần đối chiếu chị với ảnh trong chứng minh thư. Anh ta hờ hững cầm đặt lên bàn:

-Trong nhà có ai nữa không?

-Không… À, mà chỉ có đứa trẻ con thôi ạ.

-Không phải bỗng dưng chúng tôi vào đây. Tôi nghe quần chúng báo nhà chị có khách lạ. Chị gọi khách đang lưu trú ra đây.

Chị chạy vào, lay thằng bé dậy, dắt nó ra:

-Đứa cháu gọi em bằng dì. Mẹ nó lên mạn ngược có việc, gửi em mấy ngày.

Công an khu vực hỏi:

-Chị khai báo lưu trú chưa?

-Cháu nó mới lên mười, em tưởng…

-Tưởng ở Đài Loan nhá. Theo luật thì người từ 14 tuổi trở lên mới phải khai báo lưu trú. Như thế có nghĩa là nếu chưa đủ 14 tuổi thì phải có giấy tờ chứng minh. Khai sinh của người này đâu?

-Mẹ cháu chỉ gửi người, không gửi theo giấy khai sinh.

Trưởng công an xã ra chiều thông cảm:

-Hoặc là thứ giấy tờ nào cũng được. Như là thẻ học sinh chẳng hạn.

-Dạ, cháu nó thiểu năng trí tuệ, chưa đi học ạ.

Công an huyện nghiêm giọng:

-Như vậy, nhà chị chứa chấp khách lạ mà không khai báo lưu trú. Cũng không chứng minh được người này thuộc độ tuổi không phải báo. Thực tế, có nhiều người già sáu bảy mươi nhưng trông chỉ bằng đứa trẻ con. Ngược lại, có đứa trẻ con nhưng nặng tới năm sáu mươi cân, cao hẳn mét sáu, biết thế nào. Chị phải hiểu, chúng tôi làm việc theo pháp luật. Theo qui định, chị bị phạt một triệu năm trăm nghìn đồng. Đồng chí Vương (tên cậu cảnh sát khu vực) lấy giấy tờ ra lập biên bản.

Chị Lựu có vẻ khó giữ được thái độ nhã nhặn ban đầu:

-Các anh kiếm tiền (chị định nói là cướp nhưng chữa lại được) thì dễ. Chứ hoàn cảnh tôi lúc này thì lấy đâu ra triệu rưỡi nộp bây giờ?

Trưởng công an xã ra chiều thông cảm:

-Hay là cô nộp tại đây cũng được. Nộp tại đây thì chúng tôi giảm cho năm trăm nghìn, lại đỡ mất công ra kho bạc.

Đã ngửi thấy mùi trấn lột, chị Lựu xẵng giọng:

-Một triệu tôi cũng không có. Các anh muốn làm gì thì làm.

-Cô không chịu thì chúng tôi có biện pháp cưỡng chế. Ngôi nhà này phát mại chẳng lẽ không được vài triệu.

Công an khu vực đã viết xong biên bản:

-Chị ký vào đây.

Chị Lựu nổi đóa:

-Tao không ký tá gì hết. Tao không cướp ra tiền như chúng mày. Cút ngay khỏi nhà tao.

Nói đoạn, chị giật lấy tờ biên bản xé vụn ném vào mặt viên công an huyện. Hắn ngỡ ngàng vài giây rồi bất ngờ giơ thẳng cánh tát chị bốp một cái. Tai chị ù đi. Một dòng nước đỏ chảy ra từ khóe miệng chị.

Chị Lựu không còn biết sợ nữa. Chị đạp thẳng vào sườn tên công an huyện làm hắn ngã ngồi xuống ghế, đầu đập vào góc tường. Hắn vừa loay hoay ngồi dậy, vừa chỉ tay quát:

-Chống người thi hành công vụ hả? Các đồng chí! Giải nó về huyện.

Hắn rút điện thoại ra:

-Đề nghị anh điều xe và người tăng cường để bắt đối tượng chống người thi hành công vụ. Nhà con Lựu, xóm Bãi.

Chị Lựu quệt máu miệng, đứng dậy rồi cầm lấy chiếc ghế vừa ngồi, phang thẳng vào đầu tên công an huyện:

-Này chống này! Tao chống cho chúng mày bắt đi tù luôn thể. Tử hình tao cũng được. Chồng tao chết rồi, tao không thiết sống ở cái gầm trời khốn nạn này nữa.

Kiểu gì thì ba người đàn ông cũng không thể thua một người đàn bà góa. Trưởng công an xã và công an khu vực lao ngay đến áp sát chị. Tên công an khu vực túm tóc chị, quấn hai vòng vào tay, dập liên tiếp đầu chị vào tường.

Trưởng công an xã đẩy cậu công an khu vực ra, nhận lấy nhiệm vụ khống chế chị Lựu. Một tay hắn quàng sau lưng, tay kia luồn qua nách chị, chộp vào chỗ có nửa trái sim nhô lên. Thoáng vài giây, có lẽ nhận ra chỗ ấy không phải là tử huyệt để khống chế kẻ chống đối, vả lại làm thế cũng khó coi nên hắn duỗi năm ngón tay ra, miết vào bộ ngực đầy ứ của chị rồi đan lấy tay kia tạo thành thế gọng kìm khiến đối tượng không thể dễ dàng di chuyển.

Tuy nhiên, bắt chị không đơn giản chỉ như thế. Chị có sức lực của người phụ nữ chưa quá hoa niên, lại có sự nhanh nhẹn của người nông dân quen lao động chân tay. Ngực chị bị khóa nhưng đó đâu phải là bộ phận có thể dùng tấn công hay tự vệ. Hai tay chị cào cấu vào mặt trưởng công an xã còn chân đạp liên tục vào hai tên kia mỗi khi chúng xông vào tiếp sức. Giằng co được chừng 15 phút thì hai xe cảnh sát được tăng cường tới.

Một tiểu đội cảnh sát nhảy xuống. Lúc này, việc khống chế chị Lựu đơn giản hơn. Bốn thằng túm lấy chân tay chị khiêng đi ấn vào xe. Con Mích nhà chị trốn từ đầu, hình như lúc này nó đã hiểu điều gì đang xảy ra với chủ nó. Nó chạy về phía trước, tru lên thảm thiết. Thấy không tác dụng gì, nó vừa sủa, vừa xông vào đám người đang bắt chủ nó đi. Tay công an huyện rút súng nổ một phát. Con Mích ngã ra, giãy giãy mấy cái rồi nằm bất động.

Chợt nhớ ra, tay công an huyện quát mấy cậu lính vừa được tăng cường:

-Vào lôi luôn thằng cư trú bất hợp pháp lên đồn để làm rõ.

Thằng bé từ đầu mặt tái mét, ngây ra không biết nói gì, vì nó chưa biết nói. Đám lính định nhét nó vào chiếc xe đầu tiên, nơi dì nó đã bị đưa lên từ trước. Nhưng viên công an huyện kịp thời can thiệp:

-Cho nó vào xe sau để tránh thông cung.

Hai chiếc xe nổ máy phóng về phía thị trấn huyện, để lại phía sau xác con Mích với ngôi nhà trống và trả lại sự im lặng bao trùm lên xóm Bãi. Dân xóm thấy bóng công an, nhà nào nhà nấy đóng chặt cửa, không ai dám thò mặt ra.

***

Lời cuối truyện:

Chị Lựu sau đó bị kết án 18 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ. Trong trại giam, chị ở cùng phòng với Hạnh, một tù nhân chính trị bị án 7 năm về tội tuyên truyền chống Nhà nước. Hạnh là một cô gái chưa đến ba mươi tuổi, yêu đời, hay quan tâm và đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho các nữ tù nhân khác. Tiếp xúc với Hạnh, chị Lựu hiểu biết thêm nhiều chuyện. Thì ra, nỗi thống khổ của con người không chỉ có chị và những người dân quê chị. Và những con người như mấy tay công an kiểm tra hộ khẩu nhà chị đêm hôm đó, cũng như đám cán bộ địa phương cũng chỉ là loại người đáng thương, sản phẩm của một cái gì đó rất trừu tượng mà Hạnh đã giúp chị hình dung ra. Cũng nhờ Hạnh mà chị hiểu từ trước đến nay, chị sống không ra con người mà không hề biết. Nỗi sợ hãi đã làm cho chị không biết được mình có quyền gì. Chị cứ nghĩ, cuộc đời nó phải là như thế. Đi tù, chị mới hiểu tại sao người ta gọi nhà tù là trường học.

18 tháng trôi qua "như một giấc ngủ trưa". Ra tù, chị lục lại hồ sơ vườn ruộng đã bị cưỡng chế, nhập vào các đoàn dân oan đi đòi quyền sống. Điều đó có nghĩa, hàng ngũ đấu tranh thêm một chiến sĩ nữa. Không chỉ đòi quyền lợi cho mình, chị và những người dân oan còn tham gia các hoạt động xã hội khác như làm thiện nguyện, bảo vệ môi trường, bảo vệ biển đảo của Tổ Quốc. 

Dù thường xuyên bị bắt bớ, đàn áp nhưng chị cảm thấy bây giờ cuộc sống của chị mới có ý nghĩa. Chị không còn thui thủi như một cái bóng nữa. Nhà chị ngày càng nhiều bạn bè và những người dân oan lui tới. Lòng chị xốn xang hình dung về tương lai của Đất nước, của Dân tộc. Chị đặc biệt phấn khích mỗi khi hòa vào dòng người vừa giương biểu ngữ vừa hát: "Dậy mà đi! Dậy mà đi! Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!..."


1/6/2015

NTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét