Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

TRÍ THỨC ViỆT KHÔNG HIỂU NGƯỜI TA KHEN HAY CHÊ

Nguyễn Hoàng Đức


Trong một bài gần đây, tôi thấy tác giả phê bình dùng câu của triết gia Pháp Francois Jullien làm cơ sở rằng: “triết học của Việt Nam lẩn vào trong văn học”. Nhà phê bình này tôi nghĩ không cần nêu tên bài và tên gọi, bởi lẽ, tôi muốn nói về một quán tính rất dễ dãi, mù mờ, và thiếu khả năng phán đoán của hầu hết trí thức người Việt. 

Câu này là một câu nói khích lệ, có sự xuê xoa, mặt trận, ngoại giao quốc tế, nói chính xác hơn là úy lạo, vỗ về, an ủi, bón cơm, nhét kẹo vào miệng “dân mọi” chưa trưởng thành. Và một nỗi buồn lớn hơn xuất hiện là: không phải dân vô học, mà chính những người có học hàm học vị cao bậc nhất hẳn hoi lại hí hửng tưởng rằng đó là người ta khen mình. 

Lãnh tụ Mao Trạch Đông đã nói một câu thể hiện sự lạc hậu của một đại quốc khổng lồ chiếm gần một phần tư dân số thế giới rằng: Trong khi Liên Xô đưa được người lên mặt trăng, còn Trung Quốc chưa bắn được một củ khoai tây lên trời. Giờ giả sử, một chuyên gia kỹ nghệ vũ trụ của phương Tây đến Trung Quốc nói rằng: Các bạn chưa có kỹ nghệ tên lửa nhưng nó đang nằm lẫn trong đám gang nấu trong lò hợp tác của các bạn. Thử hỏi Mao Trạch Đông cùng dân Trung Quốc nếu hí hửng, thì ngày nay họ có vệ tinh không?

Suy rộng ra, nếu một chuyên gia đến Việt Nam chưa thấy sản xuất được đường, liền bảo đường đang nằm trong những cánh đồng mía của các bạn. Nghe có được không? Hoặc một nhà kiến trúc đến Việt Nam bảo tòa nhà cao nhất thế giới của các bạn đang nằm trong những lò gạch ấy. Nghe thế nào, hay cái lò gạch ấy chỉ đẻ ra “Chí Phèo”?

Giờ xét kỹ vào câu nói của triết gia Jullien “Triết học của Việt Nam nằm lẫn trong văn học”. Nói thế có khác gì bảo, trung tâm triết học của các bạn bằng tranh tre nứa lá còn đang nằm lẫn trong rừng?! Triết học bao gồm ba thể loại chính:

1- Triết học bản thể: tức hữu thể luận nhắm nghiên cứu bản chất bên trong thiết yếu của vạn vật cũng như hữu thể.

2- Logic: là cách quan sát, cách tiếp cận, để đảm bảo cho sự nghiên cứu có cơ sở chắc chắn nhất nhằm tiếp cận bản thể đích thực.

3- Ngôn ngữ: cũng là biện chứng pháp giúp con người lý giải, biện thuyết, minh chứng cho những vấn đề của tư duy phải đem từ ý thức bên trong thể hiện ra bên ngoài như tư tưởng phô bày ra bằng ngôn ngữ, và bản thể minh nhiên ra ngoài bằng hiện tượng.



Như vậy văn học nhiều lắm chỉ là phần ngôn ngữ, không thể ù xọe leo lên hai phần trên được. Mà ngôn ngữ của văn học là ngôn ngữ hư cấu chưa đầy đủ, là thứ phần mềm không thể hóa phần cứng của tư duy. Thực ra chưa cần đến triết gia Jullien, một lãnh đạo cao cấp Việt Nam đã từng hỏi một nhà thơ không dấu vẻ khinh thị rằng “anh xem ở Việt Nam đã có triết gia nào chưa?” thì được nghe trả lời “Chưa!” Câu hỏi này trong một khung cảnh bao hàm nghĩa: văn thơ của mấy anh làm gì có tư tưởng và triết học, mới chỉ là vài bình hoa vặt trang trí cho chính sách, có gì mà cứ ngậu nhĩ lên?! Thực tế hơn, tại các nước như Pháp hay Nga có rất nhiều nhà văn là bạn với lãnh tụ, còn riêng văn học tem phiếu Việt Nam chỉ toàn thấy “sau lưng theo một vài thằng con con”. Giới lãnh đạo Việt nhìn các nhà thơ đông rinh rích chẳng khác gì “lớp thiếu nhi trồng cây cảnh”. Đặc biệt với các loại nhà thơ đại ca chỉ có văn hóa làm trường ca “gãi háng” thì không đáng để đuôi con mắt quẹt qua. Thử so sánh, ở Trung Quốc, “hoàng đế đỏ” oai phong lẫm liệt như Mao Trạch Đông, được ví chỉ bằng một nửa Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn… ông không tự ái mà còn cười ngất (trong câu, chỉ có hai người rưỡi hiểu Trung Quốc, một là Tôn Trung Sơn, hai lỗ Tấn, một nửa là họ Mao). Giờ thử so đi, các nhà thơ, nhà văn Việt nếu gộp lại cả thành đại hội cả nghìn người, chưa nói đến giới lãnh đạo, mà ngay những người phục vụ ở hội trường quốc hội, họ bảo “chưa thấy cái đại hội nào thiếu văn hóa, bét nhè, và tùy tiện như đại hội này, toàn những nhà văn và nhà thơ nhớn”. Nhà thơ nước non gì, mà cả nghìn trường ca không tìm được xương sống của kiến trúc, cũng không nhân vật luôn, lại còn khoe cảm xúc của mình là thiên bẩm và siêu việt. Hãy nhìn cả thế giới và nước ta xem, có lãnh tụ kiệt xuất, vị tướng thiên tài, người xuất chúng nào chỉ có cảm xúc không???

Rõ ràng là người Việt chưa có nền triết học, thí dụ cụ thể nhiều lắm, để tôi sẽ thí dụ dần dần. Vì thế ngài Jullien phải nói “triết học Việt Nam ẩn trong văn học” vậy mà mấy ông không hiểu gì lại còn hí hởn kiêu hãnh thì buồn làm sao?!

Đây cũng chỉ là một thí dụ thôi. Trước đây, nhiều chuyên gia nước ngoài bảo “Người Việt đẹp lắm vì phong cách tự nhiên”. Người Việt có câu “tự nhiên như ruồi”, đó là chỉ ra: hạng vô giáo dục. Người Trung Quốc có cả một dãy lý thuyết về việc này, họ coi “nhân bất học bất tri lý”, không được giáo dục, không được học hành thì chỉ là đám tùy tiện, hạ tiện, làm sao thành người ưu việt được. Người ta khen mình “tự nhiên” tức là khen mình bản năng, thiếu giáo dục, nhiều cô gái ngồi giãi thẻ hết cỡ, tè he bất cứ chỗ nào. Ngay như việc cúng tế ngày xuân đang diễn ra, có chuyên gia viết: người Hàn Quốc đến chùa để thiền cho tâm linh bên trong, còn người Việt thì đến chùa để cầu xôi cầu oản, ngay cả quan lại cũng đến để cầu thăng quan tiến chức. Trong tâm linh, cầu xin vật chất được gọi là “bái vật giáo”, một hình thức thấp nhất, coi chùa chiền không khác gì nhà bếp hay phòng tổ chức nhân sự?! thế mà người ta khen “người Việt tự nhiên” cũng có vô số tờ báo hí hửng, cho thế là hay.

Còn đến các nhà thơ Mỹ, họ không còn biết khen chê thế nào về trí tuệ của mấy anh chiến binh nhảy đại vào thơ. Họ bảo: “Mỹ thua Việt Nam, là vì logic nhà thơ của các bạn. Nó khó hiểu, nó phóng tác được chăng hay chớ không thể lường được, cần nghỉ thì các bạn không nghỉ, cần đi thì các bạn không đi… vì thế mà hỏa lực Hoa Kỳ không thể đánh úp các bạn được”.

Mỹ không chỉ sa lầy ở Việt Nam, còn nhiều vùng khác như I rắc, Pakistan, Afganistan, đặc biệt ngay cả vùng Trung Đông nhỏ xíu… Vậy chúng ta không nên quá ảo tưởng về việc này. Nhưng tôi muốn nói một điều khác, than ôi ở đời làm sao có thể gọi là “logic nhà thơ”? Không tin thử mời một ông nhà thơ bàn về chiến lược vĩ mô của quốc gia xem nào? Người ta có thể nói về khát vọng, hay trí tưởng tượng của nhà thơ, nhưng có nên nói về một rúm kiến thức của nhà thơ là logic không? Ở Việt Nam mới năm ngoái thôi, cả ban sơ khảo và chung khảo Hội Nhà văn không cần biết đến một tác phẩm nổi tiếng bậc nhất thế giới là “Giờ thứ 25” của văn hào Rumani Gheoghiu Virgil, rồi cứ nhắm mắt trao bừa cho Phạm Đương, ngay cả khi đã được mọi người cảnh báo. Đúng là giả điếc để không sợ súng. Trong trường hợp này nói chính xác là: giả ngu để không cần dùng đến lương tri.

Có nên than, hỡi ôi văn sĩ Việt Nam tôi, triết học thì còn nằm ở dạng quặng thô trong văn học, hay là dạng xì xụp canh cua chưa thành tiệc, văn hóa thì bản năng tùy tiện tự nhiên vẫn ngẩng cao khuôn mặt tự hào, còn tư duy lô gic thì là của đám đông “xã viên” ưa thích mua vui vần vèo… Chẳng thế mà người ta mới cho mấy lời khen như vài vụn đường bám vào chiếc quẩy còi đã tưởng mình là văn hào, thi bá ở dương gian này. Có tin mới nhận được: Căm Pu chia vừa sản xuất được ô tô, còn Việt Nam làm nội thất 30% chưa xong, ngay cả cái kim khâu hay bi xe đạp vẫn còn chưa làm được. Hỡi ôi mấy ông “trường ca gãi háng”, logic nhà thơ kia hãy leo lên bè bẹ chuối mà hát khải hoàn ca như ta đang phiêu lãng trên tầu sân bay. Nào mấy chiếc kèn lá cùng ca khúc vỗ bụng hát hãy tấu giao hưởng lên, số lượng “xã viên” của chúng ta rất đông lo gì không thành giàn hợp xướng?!

NHĐ 18/02/2114
Tác giả gửi cho NTT blog





2 nhận xét:

  1. Nặc danh19/2/14 8:35 SA

    AQ từ TQ tràn vào định cư đầy ở VN rồi!
    Tự sướng được bọc vỏ "Tự hào"!
    Hãy đi ra thế giới và thấy đất nước này thảm thương làm sao!...

    Trả lờiXóa
  2. Hay. Không cần bình luận gì thêm. Anh Đức ơi, cho em xin một bản nghiên cứu về tôn giáo của anh với. Em đang rất muốn đọc đấy. Anh cho em theo địa chỉ tien.dang36@gmail.com. Em xin cảm ơn nhiều lắm.

    Trả lờiXóa