Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

NHÀ VĂN VIỆT CÓ NÊN LOAY HOAY BÀN VỀ TÁC PHẨM LỚN ?

Nguyễn Hoàng Đức


Vừa qua Hội Nhà văn lại kỳ công mở hội thảo bàn về việc “Làm sao để có tác phẩm lớn”. Việc này là hoàn toàn xác đáng xét theo những gì chúng ta chưa có và muốn làm, hoặc là đã có rồi thì muốn có nhiều hơn.

Nhưng có ý kiến cho rằng đây là một hội thảo hình thức đánh trống bỏ dùi, qua loa đại khái, bàn cho có chuyện, và đặc biệt lý do của hội thảo chỉ là tập chung lại, cờ quạt, đón rước, tiệc tùng để giải ngân. Tất nhiên, tôi xin nói rõ chính kiến của mình, tôi không có ý định sa đà vào việc thóc mách giải ngân hay không, mà mục đích của tôi là bàn về việc có tác phẩm lớn.Nhưng nhân tiện đây tôi cũng nói về phong trào hội thảo, hội nghị ở Việt Nam. Tôi cũng được tham dự nhiều hội nghị. Mở đầu thường là thế này, trung ương về địa phương, vừa nghe địa phương trình bày vấn đề nào đó, cán bộ trung ương liền bảo “vấn đề này phức tạp đây, chúng ta nên mở hội nghị để bàn thảo tháo gỡ vấn đề”. Địa phương liền đồng ý ngay, và tiếp theo soạn thảo công văn xin trung ương tài trợ cho hội thảo. Thế rồi nườm nượp ngựa xe về địa phương hội nghị, diễn ra trong vài ngày, bữa nào cũng ăn tươi, riêng lễ chào mừng và bế mạc “thành công tốt đẹp” bao giờ cũng có tiệc mừng. Một lần tôi ngồi cạnh một cán bộ trung ương, vừa hội nghị được hơn một giờ, anh ta bỏ ra ngoài đi vệ sinh, quay lại có thì thầm vào tai tôi, tớ đảo qua nhà bếp rồi, trưa nay có thịt gà… một lần khác hội nghị ở Thanh Hóa, lúc đó tỉnh nhà có phong trào làm nhái dép sa-pô bằng lốp cao su khoét rỗng. Ngay trên bàn đầu một cán bộ trung ương hỏi một người địa phương: “đôi dép của anh bao nhiêu tiền?” Nói rồi anh ta hí hoáy đặt chân lên một tờ giấy vẽ theo bàn chân rồi đưa cho anh địa phương bảo “anh đặt mua giúp tôi một đôi dép giống của anh, tôi gửi tiền luôn nhé”…

Qua chuyện trên tôi muốn nói rằng: hội nghị với người Việt nói chung chỉ là thứ hội hè, mà người ta rất ít để ý đến vấn đề để tư duy cũng như tranh luận. Bởi lẽ người Việt có rất ít khả năng lý trí để tìm hiểu hay tranh luận. Các hội nghị của Hội Nhà văn cũng không khác là bao. Chẳng hạn, hội thảo về lý luận thì lại đông rinh rích những anh nhà thơ, với lý do, đó là những con người yêu lý luận. Thực ra, số này chỉ đóng vai khán giả để hội hè được xum xuê, cũng như mỗi người được đóng vai khách mời dự cỗ như hưởng ân sủng. Chúng ta thử nghĩ đi, vấn đề hội thảo sẽ ra sao nếu ngay việc đầu tiên nhỏ nhất cũng đi sai thành phần? Hãy nhìn sang các ngành khác, ngành vật lý chẳng hạn, người ta có mời người không hiểu biết về vật lý đi không?

Các hội nghị văn học Việt Nam. Lần nào cũng chỉ thấy mấy ông cốt cán đi, nói dài lê thê, câu giờ theo kiểu “được ăn, được nói, được gói mang về”. Những nhân vật cũ đến mốc thếch như vậy, làm sao có thể tạo ra cú hích hay cú nhảy cho nhận thức? Mà thực ra cùng lắm chỉ thấy một dấu tích của cách ngồi lỳ xí ghế, xí chỗ??? Đường mòn, ngõ nhỏ thì sao dẫn ra quảng trường, nó chỉ dẫn ra ao chuôm, vũng nước, bắt vài con tép thôi chứ. Muốn có quảng trường thì phải biết khai sơn phá thạch. Việc này đâu có quá khó làm, một loạt các tỉnh miền núi đã làm rồi, như tỉnh Sơn La chẳng hạn, trước kia thị xã chỉ là những thẻo đất ven theo đồi, nhưng khi người ta bạt một quả đồi ở giữa đi, lập tức nó tạo ra một thung lũng lớn với những ngọn đồi còn lại chạy vòng xung quanh. Văn học chúng ta đã bắt tay vào khai sơn phá thạch chưa, đã cầm xẻng, cầm cuốc, hay dùng máy ủi chưa, hay là mới chỉ cầm cái lông gà vẽ mấy vần thơ?

Công bằng mà nói, khi một lãnh đạo Hội, tài thơ bậc nhất mậu dịch, chức to cũng bậc nhất luôn, thú nhận rằng “trong ao không có cá to, chúng ta đành bắt tép”, đó là một thú nhận công tâm và dũng cảm đã biết liêm sỉ trước lòng tự tôn của chính mình. Vậy còn những tác giả bé tí phía sau có muốn đập hai tay vào nách để thành cánh bay lên ngọn cây?

Tôi đã nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ Việt cả trăm lần. Nhiều người, luôn cho rằng: văn học, nghệ thuật không phải là lý trí, học nhiều là nghệ thuật hỏng, mà văn học phải là cảm xúc cái không thể lý giải thì mới hay. Và lập tức họ luôn chặn ba-ri-e trước tất cả lối vào cho tư duy văn học. Việc ấy không sao cả, vì mỗi người một ý. Nhưng cái này mới là đáng nói, sau khi im hơi lặng tiếng, họ cứ muốn văn chương của họ hay và hơn người. Hay chỗ nào? Hơn người cái gì? Họ không thể trình bày được, nhưng lại sẵn sàng xù lông và nổi cáu lên nếu người ta không nhìn ra cái hay của họ. Một cái hay mà chính họ cũng không biết nó là cái gì.

Giờ đây với cả nghìn tập trường ca không có nhân vật của Việt Nam, cả vạn bài thơ chỉ là cảm xúc chưa đầy trang giấy, với sự hiểu biết thấu đáo vì gần gũi quá nhiều, tôi chắc chắn rằng: văn học Việt Nam chưa có tầm lớn vì chúng ta thiếu hẳn, thiếu trầm trọng, thiếu gần như bằng không của khả năng kiến trúc sư bằng lý trí. Một tòa nhà muốn đồ sộ, nó phải được kiến trúc, được lắp ráp cột và xà ngang, phải ăn khớp cách hợp lý và chịu lực… Đó là cái tư duy lúa nước của người Việt thiếu hẳn. Tất cả những bài thơ lèo tèo cảm xúc sao lại cứ cố mang ảo tưởng về công trình đồ sộ.

Còn tác phẩm lớn là gì ư? Việc đầu tiên nó phải mang đề tài lớn. Đề tài lớn cũng chính là tư tưởng. Như triết gia Hegel ví “cái phổ quát là đường quốc lộ”. Một khi đã có đường quốc lộ, thì chúng ta mới có những đường nhánh rẽ về mọi ngả. Có nhiều nhà văn cho rằng: chúng ta không có tác phẩm lớn vì lỗi của các nhà phê bình là không phát hiện ra. Điều này không đúng! Bây giờ hãy làm một việc đơn giản: các nhà văn, hay nhà thơ hãy nói hết cỡ về tác phẩm của mình đi, có rất nhiều người đã từng được phỏng vấn cơ mà, nhưng than ôi, chính tác giả còn không trình ra được dự án lâu đài của mình thì làm sao người khác thấy được?!

Muốn băng sa mạc thì phải chuẩn bị lạc đà, còn cưỡi con vịt bé tẹo làm sao băng sa mạc? Muốn chơi bóng đá thì hãy mua đất làm sân đi, đừng có thủ mấy viên bi trong túi lại bàn đến việc muốn xem các trận túc cầu chung kết? Không bắt tay vào viết tác phẩm lớn, lại đòi ngồi chờ ăn may theo kiểu biết đâu trúng số độc đắc, có ai đó nhìn ra cái hay, cái vĩ đại của mình… như vậy hiển nhiên đó đã là những con người bé. Tất cả những người vĩ đại thì phải chinh phục. Chinh phục mới là phẩm chất của cường quốc! Còn ngồi so ro với mấy vần thơ cảm xúc hay tác phẩm giường chiếu với mộng mơ trúng sổ số, thì chỉ là sáng tạo thụ động nhỏ bé. Một người băng Đại tây dương, hay leo Hymalaya về, thì làm sao mấy tay chơi bơi ao chuôm có thể tì tõm so sánh?

Chúng ta chưa bắt tay viết tác phẩm lớn thì nó không thể nào xuất hiện, một chiếc ô tô không bao giờ mọc ra từ một gánh rau! Và nếu không có sự kiến trúc của lý trí sẽ chẳng có lâu đài nào được ra đời! Và nếu không có sự thẩm định bằng lý trí xét xem tác phẩm hay dở chỗ nào thì không có giá trị nào trụ vững! Cuối cùng sáng tạo bằng cảm xúc, hoặc thưởng thức bằng cảm xúc mà không có sự thẩm định bằng lý trí thì đời sống văn chương nghệ thuật mãi mãi chỉ ở tầm ăn xổi ở thì ngoài da mà thôi!

NHĐ 24/12/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét