Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Vụ án Thanh Trì 25/9/2013 (VII): Tại đồn công an

Kỳ này và kỳ cuối khi viết xong thì bị thất lạc. Nay đã tìm lại được USB

NGUYỄN TƯỜNG THỤY


Chúng chở một mình tôi trên một xe, tất nhiên phải có lái xe và những thằng khác đi kèm, đến một cơ sở của Công an Thanh Trì tại xã Liên Ninh.

Tới nơi, chúng đưa tôi đến phòng toàn cảnh sát giao thông. Tôi nói: "Đưa tao đến phòng cảnh sát giao thông để làm gì?"

Một thằng bảo, đưa tạm vào đây đã. Tôi đọc biển trước cửa phòng, thấy ghi "Phòng xử lý tai nạn giao thông".

Được một lúc, mấy tay cảnh sát giao thông cũng đi mất.

Lần này là lần thứ 6, chúng bắt tôi vào đồn công an. Tôi đã quá quen với kiểu bắt người như thế này.

Tiếp tôi là một thằng mặc thường phục. Tôi hỏi tên, nó chỉ nói gọn là Đô.

Tôi đã tiếp xúc với nhiều an ninh, gọi là để "lấy lời khai". Tất nhiên tôi không phải khai với chúng khi chúng xông vào nhà tôi vô pháp rồi bắt tôi đi. Mà có gì để khai, có khai thì cũng chẳng có ích gì cho chúng. Tôi không muốn làm những việc vô bổ.

Thông thường (thông thường thôi), những nhân viên an ninh làm việc với tôi đều có thái độ nhã nhặn, cho dù bọn cảnh sát trước đó rất hỗn láo, hùng hổ. Tuy vậy, chúng cũng đủ mưu mẹo ngón nghề, dẫn dắt câu chuyện, hỏi những chuyện chẳng đâu vào đâu, hỏi đi hỏi lại nhiều lần bằng câu hỏi rất vớ vẩn.

Tôi biết chúng và bọn cảnh sát cũng cùng theo một lệnh. Nhưng bọn cảnh sát thì thô thiển, hung bạo hơn. Còn cánh an ninh, thường thì chúng nó tỏ ý rằng chúng cháu chỉ làm theo lệnh, bác tạo điều kiện cho chúng cháu hoàn thành nhiệm vụ. Tất nhiên tôi không thể tạo điều kiện cho chúng nó bằng cách hợp tác khi bị bắt trái luật. 

Thằng Đô này thì khác. Nó có vẻ rất tự tin với những gì nó học được ở trường hay quan thầy dạy nó. Nghe nó xưng hô với tôi bằng anh,tôi, tôi hỏi: "Cậu bao nhiêu tuổi?

Nói nói nó sinh năm 1978.

Tôi bảo: "Vậy cậu kém tôi hẳn một thế hệ. Cậu không được phép xưng hô như thế".

Nó nói, tôi xưng hô thế là đúng. Như người ta vẫn xưng hô với nhau bằng moa, toa.

Tôi bảo: "Đó là tiếng Pháp. Nhưng tôi với cậu đang nói với nhau bằng tiếng Việt, phải dùng ngữ pháp và từ vựng Tiếng Việt.

Nó không nói gì. Tôi ái ngại cho nó được sinh ra và dạy dỗ trong một môi trường thiếu giáo dục.

Thực ra, trong cuộc sống, tôi có nhiều bạn cùng lứa tuổi nó nhưng vì thân thiện, gần gũi nên vẫn xưng hô với tôi là anh em và chúng tôi mặc nhiên chấp nhận. Nhưng thằng Đô hiển nhiên không được tôi xếp vào đối tượng ấy.

Không gì chán hơn khi nói với kẻ chẳng hiểu biết gì. Đến khi thằng Đô nói, đại ý là chúng tôi đưa anh và những người khác về đây là phù hợp với những gì pháp luật cho phép thì tôi không muốn nói với nó nữa.

Trong các trường hợp khác, tôi cũng hay tranh thủ binh vận khi đối diện với an ninh nhưng với thằng này, tranh luận với nó chỉ thêm mất công. Tôi thản nhiên uống nước, hút thuốc và không trả lời. Nó hỏi lại, tôi bảo tôi không muốn nói chuyện với cậu. Để tôi nghỉ.

Ngồi trong phòng, tôi nghe rất rõ tiếng hô vang dội đòi trả người của đồng đội ngoài cổng. Tất nhiên, cũng như mọi lần, chúng không dám cho tôi xuất hiện ở chỗ mà đồng đội tôi có thể nhìn thấy, sợ chúng tôi tiếp thêm sức mạnh cho nhau. Ngồi mãi mỏi chân, tôi đứng dậy, thằng Đô hỏi:

- Anh đi đâu đấy.

Tôi không trả lời, chỉ đi đi lại lại trong phòng. Tôi biết, khi tôi bước ra khỏi phòng, sẽ có nhiều thằng lập tức đến cưỡng chế.

Không lấy được lời nào của tôi, một thằng vào đưa cho tôi một cái biên bản bảo:

- Bác không muốn nói thì bác cứ ghi cho mấy chữ vào đây rằng tại sao bác không nói là được.

Tôi biết chúng nó cần chữ ký của tôi để chứng tỏ chúng có làm việc với tôi. Không muốn để chúng nì nèo thêm, tôi tặc lưỡi: 

- Thì đưa đây.

Tôi ghi, đại ý là tôi không xác nhận những gì đã ghi ở tờ giấy này (thực ra tôi có đọc chúng ghi cái gì đâu). Tôi phản đối việc bắt người trái pháp luật nên tôi không thể hợp tác.

Khoảng hơn 10 giờ đêm gì đấy, một thằng vào vui vẻ nói, thôi bây giờ về chứ bác. Tôi không nghe, đòi lập biên bản về việc bắt người trái luật, tất nhiên chúng cũng không nghe.

Tôi bảo tôi không về, tôi phải biết những người anh em của tôi đang bị giam ở đâu đã, nếu còn ai bị giam, nhất định tôi không về. Chúng nó vui mừng bảo chúng tôi đã thả hết rồi, bác cứ gọi điện kiểm tra. Tôi gọi cho vợ tôi, biết vợ tôi, con gái tôi, chị Tân, anh Hải và Lã Dũng chúng đã thả và đang ở ngoài cổng đòi trả tôi và những người còn lại. Tôi lại gọi cho chị Nhung, biết chị và bé Uyên chúng đã áp giải ra sân bay Nội Bài.

Chúng lại đưa tôi sang phòng giữ Lê Quốc Quyết, bảo bạn bác đang ở đây. Sang đó, tôi mới biết Quyết nhất định không chịu về, chúng đưa tôi sang là để khuyên Quyết.

Lúc này, mồm miệng Quyết sưng vếu, áo tả tơi nhàu nát và đầy đất cát. Quyết đang phẫn nộ đến cùng cực, lớn tiếng tố cáo vì anh bị chúng đánh quá dã man. Tôi có cảm giác nếu có súng trong tay lúc này, anh sẽ lập tức nhằm vào đầu bọn chúng. 

Tôi ra cổng, vừa đi vừa lớn tiếng phản đối công an hành động vô luật. Tôi phẫn nộ nói to cho cả cơ quan nghe thấy: "Chế độ như thế này, dân không muốn lật đổ mới là lạ".

Tới cổng, tôi thông báo với mọi người tình hình 3 anh em chúng tôi bên trong và tình hình mẹ con chị Nhung. Tôi định về trước một mình vì nghĩ bọn công an-côn đồ đang làm chủ nhà tôi. Tôi sợ chúng cướp đi tài sản hoặc bỏ cái gì vào nhà để vu cho tôi. Nhưng vợ tôi bảo chúng đã rút quân rồi nên tôi lại quay vào với Quyết.

Lúc này, còn 3 người chưa ra là tôi, Quyết và Trương Dũng. Chúng tôi nhất định đòi bằng được chiếc điện thoại của Quyết mà chúng cướp trước đó. Đầu tiên chúng chối, nói là chúng không cướp, chắc điện thoại rơi đâu đó thôi. Nhưng Quyết khẳng định chúng đã giật trên tay anh. Trước thái độ kiên quyết của chúng tôi, chúng đành đem trả. Thái độ của chúng lúc này rất nhã nhặn, có lẽ mục đích của chúng bây giờ chỉ là để chúng tôi chịu về càng nhanh càng tốt, khác hẳn thái độ lưu manh, hùng hổ khi xông vào nhà tôi bắt người.

Khác với hôm 7/3/2012 cũng bị bắt vào công an Thanh Trì, tôi từ chối xe chở về, lần này tôi yêu cầu chúng, bắt ở đâu thì phải trả về đấy. Chúng chấp nhận ngay nhưng gọi tắc xi chứ không điều xe cơ quan. Tắc xi đã đậu ngoài cổng nhưng trong số anh em đi đòi trả chúng tôi, có đến 3 ô tô riêng, chưa kể rất nhiều xe máy đi một người.

Đồng đội đón chúng tôi lên xe trong niềm vui rồi tất cả kéo nhau thẳng về nhà tôi.

Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định điều một xe chở Phạm Bá Hải, Dương Thị Tân, Trương Văn Dũng, Lê Quốc Quyết, Đinh Văn Thi lên sân bay Nội Bài hỗ trợ cho chị Nhung và bé Uyên như đã kể ở các kỳ trước. Bằng hướng khác, Lê Thiện Nhân, Bùi Tiến Hưng cũng có mặt cùng lúc tại sân bay.

2/10/2013

NTT

Các kỳ trước:




1 nhận xét:

  1. Anh Thụy , cứ coi như trận đánh nầy là trận đánh rất đẹp ! Có thể viết thành sách , quay thành phim ! Nhưng em không thăng chức anh từ đại tá lên thiếu tướng được như bọn côn đồ được , anh thông cảm cho em nghe ! ha ha...

    Trả lờiXóa