Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

VẠCH LÁ TÌM SÂU ĐỈNH CAO NHẤT CỦA TRÍ TUỆ KHUYỂN NHO

Nguyễn Hoàng Đức


Người thầy dạy tôi nói tiếng Pháp, biết 13 ngoại ngữ, ngài là ứng cử viên tiềm năng cao bậc nhất cho chức Giáo Hoàng để thay thế Giáo Hoàng Jean Paul II, Hồng y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận đã nhiều lần nói với tôi: “Ngữ pháp là gì? Là nói theo cách của những nhà quí tộc”. Tất nhiên đây là một định nghĩa bất thành văn về ngữ pháp, nhưng qua cách nói của ngài, tôi hiểu đó là một phương ngôn rất thông dụng ở châu Âu.Câu này người ta không đưa vào sách kinh điển có lẽ vì sợ đụng chạm đến kỳ thị giai cấp. Nhưng trong thực tế thì quả là vậy, người ta học ngữ pháp là nói theo tiếng nói của giới tinh hoa có học, lịch lãm nho nhã, quí phái, chứ ai lại nói theo đám đầu đường xó chợ. Hồng y Nguyễn Văn Thuận còn mủm mỉm nói với tôi: “Khi chúng ta nói ‘tôi đi tầu hỏa’ hay ‘tôi đi máy bay’ là sai. Lẽ ra phải nói ‘tôi đi bằng tầu hỏa’. Nhưng tất cả người Việt chúng ta vẫn nói ‘tôi đi tầu hỏa’ ”.

Thầy giáo dạy tôi tiếng Anh cũng nói: học ngữ pháp nhiều khi là nói theo người Anh. Tại sao ư? Đơn giản vì người Anh nói vậy, chính họ cũng không lý giải được và họ thường xuyên nói “Don’t ask me why, ask me how” (Đừng hỏi tôi tại sao, mà hãy hỏi tôi làm thế nào!)

Một thầy dạy tiếng Pháp nói với tôi: “Người Pháp có câu ‘C’ est correct mais pas Francaise. C’est Francaise mais pas correct’. Nghĩa là ‘Cái đó đúng nhưng không Pháp. Và cái đó Pháp nhưng không đúng’”. Tiếng Pháp, tiếng Anh hay các tiếng khác cũng giống tiếng Việt ở chỗ, nhiều cách nói thường xuyên quen miệng không đúng ngữ pháp nhưng rất thông dụng như kiểu “tôi đi ô tô” của người Việt.

Một thầy người Pháp khác nói: “ một ngài Bộ trưởng văn hóa Pháp lên nói chuyện, trong phút đầu tiên người ta đếm được 23 lỗi sai”.

Ở đời, chúng ta mở miệng nói là sai! Cầm bút viết là sai! Chẳng hạn nếu ta viết “mặt trời lên”, đó là câu văn sai, bởi lẽ khoa học hiện đại cho chúng ta biết, mặt trời đứng tại vị ở trung tâm hệ mặt trời, vì thế không có chuyện nó lên hay nó xuống.

Khi chúng ta viết “Bàn tay của tôi”, câu này chắc chắn sai! Tại sao? Theo triết học chữ “của” nghĩa là sở hữu. Sở hữu được định nghĩa là: chỉ là sở hữu cái gì ở ngoài ta, cái ta có thể cho mượn được, như cái bút, hay chiếc xe đạp, cái nhà hay mảnh ruộng. Nếu ta nói “bàn tay của tôi” rồi “khối óc của tôi”, thậm chí “tâm linh của tôi”… vậy thì có cái gì là chính thân ta để sở hữu cái bên ngoài mình? Nhưng tại sao chúng ta biết sai nhưng vẫn nói “khối óc của tôi”? Bởi vì chúng ta nói bao hàm nhiều nghĩa cả đen lẫn bóng, cả truyền thống lẫn thói quen, và bằng tất cả những gì tổng hợp của lịch sử.

Người Việt vẫn bảo “Ý tại ngôn ngoại”, nghĩa là cái ý mới là nội dung cần thiết ở bên trong, còn ngôn ngữ chỉ là cái vỏ bên ngoài thôi. Đọc sách thì người ta phải hiểu cái ý, chứ còn soi mói cái vỏ bề ngoài chỉ là cách đọc của đám hủ nho. Ở đời, có làm có sai, có trèo có ngã. Khi vua chúa hỏi các cận thần nho học khi quốc gia gặp đại sự, đám này thường lủi, hay im bặt, hoặc lươn lẹo mấy từ chẳng ra ngô chẳng ra khoai. Vậy mà khi có bất kỳ ai nói ra ý nào, đám này liền nhao nhao chọc ngoáy. Sau nhiều lần như vậy, vua liền bảo “khi ta hỏi thì các ngươi không nói, khi có người nói thì các ngươi lại nhao nhao chôm chỉa chọc ngoáy châm trích người ta. Sao các ngươi không chịu nói ngay từ đầu đi?!” Thậm chí có lần vua bảo “Ta nuôi ngươi mấy chục năm trời, giờ gặp đại sự mà không cậy nổi một lời trên miệng ngươi!” Tại sao một lời mà khó khăn đến vậy? Vì lời đó khiến kẻ hủ nho thấy mình có thể phải đứng về bên nào đó, vua hay kẻ khác, dễ bị lâm nguy tính mạng.

Văn hào Lỗ Tấn cho rằng: kẻ không làm gì thì chẳng bao giờ sai, và người Trung Quốc gọi đó là kẻ vô tích sự.

Muốn làm ra bất cứ sản phẩm hiện đại nào như ô tô, máy bay, hay vô tuyến… trước hết công thuộc về kỹ sư sáng chế, sau mới đến kỹ sư chế tạo, rồi mới đến thợ kiểm tra lỗi. Các sản phẩm đầu tiên dù xấu nhưng luôn được lưu giữ cùng tên tuổi của người phát minh ra nó. Trái lại không có tên thợ kiểm tra nào được ghi danh trong bảng phát minh. Giống một lâu đài, người ta lưu giữ tên người đã kiến trúc và xây nó, chứ ai ghi danh mấy người quét dọn.

Lịch sử Trung Quốc rồi Á Đông lạc hậu cả nghìn năm, lý do chính bởi đông nhung nhúc những kẻ hủ nho suốt ngày vạch lá tìm sâu bẻ chữ nhưng chẳng tạo được ra một ý tưởng phát minh nào. Những kẻ hủ nho, thậm chí khắm khú đến mức khuyển nho luôn soi mói tìm lỗi chữ nghĩa của người khác, và hí hửng lắm khi thấy lỗi nào đó. Nhưng kẻ đó đâu có hiểu vẻ đẹp toàn thể, trong điện ảnh chẳng hạn, người ta còn phải tạo ra bụi để cho khung cảnh kiêu hùng, người ta còn tạo ra rách rưới để cho tính hoạt động mạnh mẽ hơn. Có mấy chữ “chi hồ giả dã” cả ngàn năm không bàn nổi nó là cái gì, thì óc đâu mà bàn vào tính đa nghĩa của ngôn từ? Học mà không lấy ý như người Việt bảo “Tham bát bỏ mâm”, nghĩa là người ta chỉ chú mục vào cái nhỏ mà bỏ sót cái lớn. Hoặc như người Trung Quốc nói “kẻ nào trọng tiểu tiết thì không thể làm được đại cục”.

Ngôn ngữ của chính đời sống lớn hơn gấp bội chữ nghĩa chỉ nằm trên văn bản. Đây là một ý tưởng mãnh liệt mà văn hào Pháp Saint Exupery đã tìm kiếm trong tác phẩm “Những chuyến bay đêm”. Ông dùng ngôn ngữ văn học miêu tả chuyện có thực của mình. Một phi công bị rơi sau một tai nạn máy bay. Anh bò trên sa mạc ngày thì nóng như lửa đốt, đêm lạnh như băng tuyết, sau vài ngày kiệt sức tuyệt vọng không còn lóe lên tia sáng hy vọng nào trong cuộc sống. Và mặt trời kia chỉ giây phút nữa chìm khuất xuống chân trời thì sự chịu đựng của anh cũng cạn kiệt vào bóng đêm với cái lạnh mà cơ thể tàn tạ của anh không còn chịu đựng thêm được nữa… Vậy mà bỗng một đoàn người Ả Rập xuất hiện, vét toàn bộ sức lực anh chỉ có thể kêu được một từ tiếng Pháp “l’eau”. Anh biết những người Ả Rập chẳng hề biết đến từ tiếng Pháp đó, nhưng việc người ta làm đầu tiên là đưa túi nước vào miệng anh. Exupery gọi đó là “ngôn ngữ của cuộc sống”, thứ ngôn ngữ phổ quát máu thịt lớn hơn gấp bội những ngôn ngữ ở sau những chủng tộc và đường biên giới. Tất nhiên ngôn ngữ đó là đại dương, mà ngôn ngữ của đám hủ nho bẻ chữ chỉ là ao chuôm bé hơn trang giấy.

Ở đời có hành động thì phải có sai. Triết gia Sartre nói: “Tôi yêu những bàn tay bẩn vì đó là những bàn tay bắt vào dọn dẹp cuộc đời”. Bàn tay ca ve sạch như chùi lại còn bôi xanh bôi đỏ có gì để nói! Tôi không sợ sai, nhưng cũng không thể nhận sai vô nguyên tắc, nếu ai thấy tôi sai chữ nào, đề nghị viết hẳn bài để tôi được bàn trước con mắt của những người làm chứng. Người Việt sống xuê xoa rất ít chứng lý, đó là cái mà tôi rất sợ. Vậy tôi muốn được bàn trước sự chứng kiến của nhiều người. Tôi nghĩ chỉ có thế chúng ta mới trưởng thành vì được sống trong sự rèn luyện của công lý “khôn ngoan đến cửa quan mới biết”. Trái lại khôn ngoan trong xó hay dưới bếp không khéo lại chỉ thành ma xó. Xin cám ơn!

NHĐ 12/11/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét