Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

ĐỐI THOẠI VỚI BÀI “NGUYÊN LÝ CHÂN LÝ KHÔNG PHẢI LÀ CHÂN LÝ” CỦA BS – BÀ ĐẦM XÒE

Nguyễn Hoàng Đức


Xin có lời trao đổi lại với BS của Bà Đầm Xòe khi đối thoại với bài “Sự kiện Võ Nguyên Giáp phơi ra dân trí Việt quá yếu, không có khả năng công bằng” của tôi.

Trước hết tôi bất đắc dĩ phải đối thoại với người có tên là BS nghe nó cộm lên như phải đối thoại với comment dấu mặt. Trong ngoại giao người ta lấy tướng đối tướng, quân đối quân, đem comment ra đọ với comment, đằng này tôi phải đọ với anh BS chẳng khác nào quân chính qui đọ với quân du kích, quần sắn móng lợn, bắn được một hai phát đòm đòm rồi chạy.Vấn đề của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vấn đề rất lớn, đó như một vũ đài mà tôi muốn người tranh luận phải có tên đeo số đàng hoàng, “đánh” vậy mới đã, khi xong còn biết kẻ thua người thắng , chứ không lại ù ù cạc cạc, nghe như trận chiến của vài con vịt, chán lắm. Nhưng BĐX và tôi là chỗ thân tình chẳng lạ gì nhau nên tôi đành thượng đài đấu với một bên đeo mặt nạ.

Bài của BS – BĐX có cái tên rất to tát như “NGUYÊN LÝ CHÂN LÝ KHÔNG PHẢI LÀ CHÂN LÝ”, nhưng cả bài chẳng đề cập gì đến chân lý hay nguyên lý cả. Nói “nguyên lý chân lý” không bao giờ là “chân lý” thì có khác gì bảo “thịt lợn không phải là lợn”. Nguyên lý là cái xuyên suốt vạn vật vậy mà chân lý sau khi đi qua nó lại không còn là chân lý nữa thì chân lý có phải là đồ giả không? Tôi nghĩ đây không phải là thế mạnh của BS, mà chỉ là cách trưng diện cái không thuộc sở trường của mình?!

BS không đưa ra luận cứ cụ thể nào của mình, nghĩa là lên đài không có chính kiến mà lại đưa ra 5 câu hỏi, tôi xin trích cả lại đây:



1. Chiến dịch Điện Biên Phủ gồm bao nhiêu trận đánh? Thắng thua mỗi trận thế nào?

2. Tại sao chiến dịch kéo dài quá lâu, gây tổn thất quá lớn về nhân mạng?

Do khách quan hay do yếu kém về khả năng chỉ huy?

3. Ai chỉ huy chiến dịch?

4. Chiến thuật trong mỗi trận đánh do ai thiết kế? Ai quyết định? Hay hay dở?

5. Súng ống, đạn dược ở đâu ra? Nếu do viện trợ thì ai viện trợ? Tại sao viện trợ?

Về các câu hỏi này tôi xin nói: chúng là thông tin (informations) chứ không phải nhận thức. tôi nghĩ cuộc đối thoại của chúng ta những người trưởng thành thì phải ở mức “ban tham mưu” chứ không phải thông tin. Thông tin được đưa về qua các lên lạc viên, điện thoại, báo chí hay vệ tinh, để cho ban tham mưu xử lý đưa ra phán đoán, thì đó mới là bộ não của lãnh đạo. Còn nếu thông tin chỉ là thông tin thì nó là các ngăn kéo lưu trữ mốc meo không có gì để bàn. Để biết thông tin xin BS tìm gặp các cơ quan lưu trữ hay gõ Google. Người Pháp lưu nhiều số liệu về Điện Biên Phủ có lẽ còn tốt hơn Việt Nam. Vậy mà căn cứ trên những số liệu đó, họ đã không ngừng xác định Đại tướng VN Giáp là một thiên tài quân sự đã lãnh đạo và đánh thắng trận Điện Biên Phủ.

Theo các triết gia “câu hỏi không bao giờ sai”. Muốn hiểu sao Hỏa người ta phải tiến hành biết bao công nghệ vũ trụ và nghiên cứu. Nhưng để hỏi chỉ cần khẽ nhếch môi: trên sao Hỏa thế nào và có những gì nhỉ? Khi tôi đã viết bài trước, thì BS cứ thế thấy điểm nào chưa ổn thì phản biện, việc gì lại đi đặt câu hỏi lại. Trong môn bóng bàn khi người ta đã service cho mình, thì cứ thế đánh trả, việc gì lại hỏi lại hay bắt đánh lại nữa???
BS còn đặt câu hỏi thế này “Thắng như thế nào mới là điều kiện để đánh giá?” Thắng – thua là khái niệm kinh điển, hỏi thế khác nào hỏi “điểm” là gì? Còn thắng thế nào ư, quân do tướng Giáp chỉ huy đã leo lên nóc hầm tướng De Castries phất cờ, chui vào hầm tiếp quản tài liệu, bắt sống toàn bộ ban chỉ huy… như vậy không phải những thứ thực chứng sờ sờ ư?

Còn chiến thắng mà không phải hy sinh ư? Có phương ngôn “có chiến thắng nào không phải trả giá”. Người phương Tây còn nói “Muốn ăn ốp lếp thì phải đập trứng”. Chẳng lẽ muốn ăn ốp lếp mà quả trứng vẫn còn nguyên.

Tôi nghĩ chấp nhận người khác cũng có gì khó lắm đâu vì “cái gì của Sê da hãy đem trả Sê da”, làm sao tôi có thể không chấp nhận Đặng Thái Sơn chơi piano giỏi, Ngô Bảo Châu giỏi toán học, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cầm quân tài ba? Thắng trận có nhiều kiểu thắng, thắng nhẹ nhàng thì ít hy sinh, thắng sát nút thì sứt đầu mẻ trán, dù sao vẫn là thắng. Trong chiến trận kẻ thắng thì luôn hơn kẻ thua. Tất nhiên đó là khía cạnh quân sự chứ không phải khía cạnh nhân đạo. Nhưng bàn về nhân đạo thì lại sang chuyện khác và lạc đề mất rồi. Muốn có tâm hồn khoa học thì không nên lạc đề.

Tôi xin trao đổi những gì chính yếu. Và tôi thấy thế cũng đủ nhiều, đủ rõ. Anh BS lần sau nên đưa ra chính kiến của mình. Tôi xin hỏi BS một câu thật rõ ràng: anh đề cử ai là tướng giỏi nhất Việt Nam trong thế kỷ 20. Chỉ một câu này thôi nếu BS không thích hợp trả lời, thì tôi nghĩ chúng ta chẳng còn lý do nào để đối thoại nữa. Cám ơn!


NHĐ 17/10/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét