Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

NÃO MŨI KIM MIỆNG SINH NỌC RẮN

Nguyễn Hoàng Đức


Từ ngày có báo và blog mạng, cơn khát thể hiện cảm xúc và trí tuệ lên mặt chữ của mọi người được giải tỏa nhiều, đặc biệt nhiều báo mạng còn cho phép người đọc được bình luận giao lưu “trực tiếp” với tác giả, làm cho không khí sinh động hơn rất nhiều. Tuy vậy cái gì cũng có mặt trái của nó giống như phương ngôn “tấm huân chương cũng có mặt trái”. Có rất nhiều người bình luận thể hiện sự ưu tư, thông điệp cũng như trình độ của mình mong chia sẻ sự khen – chê cùng tác giả. Ở đời ai chẳng thích khen, nhưng nếu bị chê đúng hay mở ra tư thế thảo luận, thì người bị chê nếu không có khả năng tiếp thu theo lẽ phải thì trước công chúng sẽ phơi ra sự cố chấp hẹp hòi.Nhưng đáng tiếc nhất là số không nhỏ lao vào ném đá, đã nặc danh thì chớ, lại còn văng tên từ cơ quan ở dưới xương chậu ra, viết chữ không có dấu, mở miệng thường chỉ có mỗi một câu “anh nay viet sai chinh ta ngay tu cau đau” (Anh này viết sai chính tả ngay từ câu đầu), một tư duy chỉ có mỗi một câu vu vạ không sở cứ như vậy, lại được nhắc đi nhắc lại như mộ sự đắc chí của “trí tuệ đỉnh cao”, liệu có cho chúng ta thấy đây là những bộ não đầu kim?!

Trong tự nhiên, sự khôn ngoan của vạn vật gần như được đo theo tỉ lệ giữa đầu và thân thể. Theo giải phẫu học, người ta vẫn nói: con người là bảy đầu. Tức chiều cao và trọng lượng thân thể gấp tương đương bảy lần đầu. Còn con rắn thì sao? Nếu đầu con rắn dài 1 cm, chiều dài cơ thể của nó dài 200 cm, thì tỉ lệ của nó lớn gấp 200 lần đầu. Con rắn không có chân, theo Kinh Thánh bị nguyền rủa phải bò bằng bụng nên tốc độ di chuyển của nó rất chậm thật dễ làm mồi cho kẻ khác. Nhưng tạo hóa cũng bù trì cho nó một khối nọc độc nhỏ để nó tự bảo vệ cũng như tấn công kẻ khác. Dẫu vậy, người ta vẫn bảo “ngu như lợn”, mà con lợn có thể ăn cả một rổ rắn độc chẳng khác gì nhai dây khoai lang. Tại sao? Vì cái nọc rắn lẫn cái đầu của rắn với tỉ lệ 1/200 thì làm sao đọ với đầu lợn chỉ có 1/10.

Người đời vẫn rủa “đồ ác như rắn độc”. Trong thiên nhiên những con ác hay nhỏ bé như con dán chẳng hạn, nó phải có mùi hôi để không còn nào muốn ăn nó. Nhưng chúng ta thường thấy, nhiều con dán cứ lăn đùng ngửa bụng lên trời dẫy chết, chứ có bao giờ thấy một con thạch sùng dẫy chết. Tại sao? Vì thiên nhiên không bao giờ ưu tiên những con vật hôi hám xấu xí độc ác. Con chuột chẳng hạn, theo các chỉ số khi hoạt động ở dưới các cống ngầm, chúng là loài thông minh bậc nhất, nhưng đó không phải thứ thông minh kiêu hãnh như loài mèo đang tuần du ngạo nghễ trên những mái nhà. Có rất nhiều bà nội trợ đã dứt khoát không đem mèo cho các gánh xiếc vì sợ người ta hành tội chúng trước khi cho chúng ăn cái gì đấy. Nhưng với chuột thì sao? Ở phòng thí nghiệm nào người ta cũng để sẵn nhưng lồng chuột, cần là cho vào lò thí nghiệm ngay. Lũ hôi hám cống rãnh đó người ta đâu có tiếc để hạ thủ chúng?!

Đã là con người thì làm gì cũng cần có trách nhiệm. Kể cả việc ném đá tội phạm. Gần đây, một cuộc thi hoa hậu tại Nigeria bị đình hoãn vì bị phụ nữ nhiều nước phản đối ở đó vẫn còn giữ tục lệ ném đá phụ nữ cho đến chết.

Còn chuyện trong Kinh Thánh. Một đám đàn ông dẫn cô gái điếm bị bắt quả tang đến trước mặt Chúa Jesus nói rằng: theo luật Mose cần phải ném đá cô này. Chúa Jesus nói “Ai trong các người sạch tội thì hãy bước lên mà ném đá”. Đám đàn ông dần dần bỏ đi hết mở đầu là người già sau đến người trẻ. Điều đó nói lên cái gì? Nghĩa là, dù chỉ là những con người bình thường, nhưng người ta đã xét duyệt lại tư cách của mình trước khi ném đá người khác. Ném đá nghĩa đen đã vậy, còn ném đá bằng chữ nghĩa thì sao?

Chữ nghĩa như người ta biết đó là tư duy và trí tuệ nằm trong não được thể hiện ra. Ném đá ngoài đời còn phải nghĩ, vậy ném đá bằng chữ nghĩa, cái người Việ bảo là “bút sa gà chết”, “lời nói đọi máu” hoặc người Tàu nói “Nhất ngôn xuất ký, tứ mã nan truy” – một lời nói ra bốn ngựa khó đuổi, thì sao có thể coi thường được. Đã thế lại còn nặc danh, còn nấp sau cơ quan tột cùng dưới đáy cột sống như vậy không phải “hạ tiện” sao, còn viết chữ không dấu như thể không dám đưa ra thông điệp rõ ràng, ném lên vài chữ vu vơ không khác gì ném rác… hỏi thuộc đẳng cấp nào? Có phải hạ tiện ném đá giấu tay không? Không phải thì còn tên gọi nào khác?!

Làm ra cái máy bay khó lắm. lắp ráp cả triệu linh kiện. Để phá nó chỉ cần ném vài nắm cát. Ở đời trèo nhiều ngã nhiều, trèo ít ngã ít, không trèo không ngã. Văn hào Lỗ Tấn nói: người tốt không làm gì chỉ là loại vô tích sự. Nhà thơ Việt Phương viết:

Tất cả những kẻ tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách
Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta

Không làm gì đã vô tích sự. Thế mà còn loại không làm lại săm soi ném đá người khác bằng nhân cách dưới xương chậu thì là loại gì? Ở đời vẫn có người đem cái bẩn ra để dọa người như biết người ta “không dây với hủi”, hoặc “lơ như đống phân” liền bôi bẩn tấn tới. Loại này nếu tồn tại nhiều chúng sẽ phân gio hóa xã hội.

Người đời nói “chó sủa loài người vẫn tiến”. Còn có câu “Chó sủa trăng”. Mặt trăng cao hơn tư thế mặt đất của chó nhiều lắm, nhưng chó chẳng thể hiểu, nó cứ ngóc mõm lên trời sủa để thị uy dọa nạt thì có buồn cười không? Triết gia Socrate nói: 1- Cái dễ nhất trên đời là “Khuyên bảo”. 2- Cái khó nhất trên đời là “Tự biết mình”. Khi muốn bình luận, khuyên bảo hay khen chê người khác, cái quan trọng nhất là phải tự biết mình đến đâu, sau đó nên dựa vào chính văn bản xem người khác là gì. Mực của học giả quí lắm đừng để nó chỉ là thứ vu vơ rác rưởi!

NHĐ 14/10/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

1 nhận xét:

  1. Tôi hiểu tâm trạng của Nguyễn Hoàng Đức.
    Tôi xin góp một lời với Ông thế này: Chưa bao giờ tôi thấy căm ghét cái hủ bại của Tống Nho đến như bây giờ. Ông thử quan sát mà xem. Có rất rất nhiều người Việt bây giờ (trẻ có, già có, trẻ nhiều hơn) đầu óc đặc đen những tư tưởng Tống Nho hủ bại. Dạng một là dạng kênh kiệu vênh vang về chữ nghĩa nhưng trống rỗng, nhạt toẹt vì cái mớ kiến văn cực kì hôi hám, cũ rích. Bất kì ai có ý kiến khác là nhảy dựng lên, phá ngang, nói ngược, lòe bịp thiên hạ bằng những triết lí xưa như sự ngu xuẩn của chính họ.Dạng hai tuy có tri thức, có lòng tốt nhưng hèn nhát, co rúm lại dưới cái triết lí độc thiện kì thân. Loại nay khá nhiều. Họ sống ngất ngưởng, thu mình lại và luôn miện than đời, trách trời. Loại này đúng là lũ vô dụng, sai không dám chê, đúng không dám bảo vệ. Tôi thành thật chia sẻ với Nguyễn Hoàng Đức. Mong ông vững tin. Dù có thể không nhiều nhưng xã hội vẫn chưa hết người hiểu biết đâu ông ạ.

    Trả lờiXóa