Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

TRAO ĐỔI VỚI NHÀ THƠ VÂN THUYẾT NGƯỜI ĐỌ THƠ

Nguyễn Hoàng Đức

Mới đây khi tôi giới thiệu bài thơ “Hoài Niệm thu” cùng lời mời đọ, với lời hứa sẽ bình thơ của ai muốn đọ. Tôi đã trực tiếp nhận được sự “ra găng” của họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thơ Vân Thuyết với bài có tựa đề “Tham dự lời mời bình thơ của ‘triết gia’ Nguyễn Hoàng Đức”. Bài Viết của Vân Thuyết khá công phu, đó là điều trước hết tôi thấy vui và xin cảm ơn tác giả, bởi vì chưa biết được khen hay chê, tôi vẫn cảm thấy rõ ràng, bài thơ của tôi phải là thứ men nào đó khiến Vân Thuyết phải xáo động đến mức viết một bài “đồ sộ”.Người Việt vẫn nói “có bột mới gột nên hồ”, bài thơ cũng như đời thơ của tôi phải đạt tới tầm cỡ nào mới có thể tạo hứng cho người khác bàn nhiều như thế?! Trong bài của Vân thuyết, thể hiện một tư duy sát ván không e ngại khi khen ngợi cũng như chê bai, nhưng tôi vẫn thấy ở đó một hình bóng tượng đài đồ sộ dù nó xấu hay đẹp. Đó không phải là cách tôi nhận ra để tự khen mình, nhưng nhiều hơn đó là cách tôi phải nhận ra để biết ơn Vân Thuyết. Và từ đó tôi cũng chọn ra cách để đối thoại với anh. Tôi xin nói với Vân thuyết mấy điểm sau:

1- Kiến thức là của chung nhân loại. Khi tôi trích dẫn phương ngôn đông tây kim cổ hay dân gian thì chớ nên nghĩ rằng tôi muốn tập hợp để “đánh hội đồng”. Tôi thà là một thứ đại diện phát sinh từ trí tuệ tổng hợp phổ quát của nhân loại còn hơn tôi chỉ là thứ đại diện cho chính bản thân mình. Trí tuệ của nhân loại, ai biết nhiều thì dùng nhiều, ai biết ít thì dùng ít, đâu có ai bị cấm, và không nên hiểu người dùng nhiều là hiếp đáp nhân loại. Cả thế giới nói “trí tuệ là sức mạnh” mà. Tại sao trí tuệ lại phải từ bỏ sức mạnh rộng lớn phổ biến của mình để được trở thành cá nhân cơ chứ?

2- Vân Thuyết khuyên tôi phải ung dung tự tại như thiền sư chẳng hạn, đặc biệt là lối nước đôi truyền kiếp của Á Đông như:

” Là tình cờ của tư duy hay là bổn phận của tư tưởng.

Là nghệ thuật hay không là nghệ thuật

Là hiện sinh hay không là hiện sinh

Là thanh lọc tâm hồn hay buông thả bản năng 

Đây không phải là tư tưởng hoặc thái độ của tôi khi làm nghệ thuật. Nghệ thuật không phải là tôn giáo, càng không phải là thiền định, nghệ thuật đòi dấn thân với thái độ rõ ràng, thậm chí phải chấp nhận cạnh tranh. Đấy chính là cái làm cho nghệ thuật không Nhạt. Lý thuyết “Nhạt” đại khái như: cây thẳng bị đẵn làm cột, cây cong bị đẵn làm củi, chỉ có cây vòng vèo mới tồn tại. Đó chính là cách làm cho nghệ thuật Á Đông kém cỏi cả nghìn năm nay. Tôi không bao giờ muốn trở thành đồ đệ của thứ đó.

3- Khi bình thơ, Vân Thuyết dùng rất nhiều từ to tát, nhưng chỉ có điều lại không hề bám vào văn bản học, thành ra người ta cảm giác như nói vu vơ. Chẳng hạn một loạt các từ như “làm giảm hiệu ứng gợi hình ảnh không gian – thiếu những chiêm nghiệm sâu xa của cuộc đời thực – của những thân phận kiếp người đơn lẻ – không thấy những vì sao lấp lánh của ngôn từ cao khiết quý phái mỹ lệ – chưa có ánh sáng của những màu sắc lạ – siêu hình – phi lý – không gợi nên được sự day dứt ám ảnh – huyền dụ – ẩn bí – diễm ảo – mơ hồ – linh thiêng – siêu việt – minh triết – du dương tuyệt mỹ của thơ – chưa hé lộ một thi pháp riêng của thi nhân – của bậc hiền nhân đại trí – điều quan trọng nhất là chưa thấy được cái hương vị dịu dàng man mát buồn gợi kỷ niệm gợi tình của mùa thu – không gây được xúc động về nỗi đau buồn mặc dù dùng rất nhiều từ đau” .

Cái quan trọng nhất khi bàn về văn học là phải bám vào văn bản nếu không nó sẽ rơi vào lối tán tụng của người Tàu với môn “bình” hươu vượn.

4- Về bài thơ “Đêm thu trầm ngâm” của Vân Thuyết. Trước hết ngay cái đầu đề là một trạng thái tinh thần nhỏ bé, nó phát triển từ sinh hoạt, chỉ có điều nó khá hơn một chút khi là sinh hoạt của tinh thần.

Sự sinh hoạt được thể hiện ngay trong câu thơ đầu:

Đêm thu trầm ngâm – ta không quên nhấm nháp một ly rượu

Mở màn là câu thông tin cấp một, có cải thiện hơn một chút ở trạng thái suy tư là chữ “trầm ngâm”, còn việc “nhấm nháp ly rượu’ hoàn toàn rơi vào chủ nghĩa tự nhiên của mấy anh nho nhe phố huyện, cứ định làm thơ, cứ định suy tư y như rằng phải cầm chén rượu. Uống rượu là thói quen khoe mẽ của đám âm lịch ngày xưa “trai vô tửu như cờ vô phong”. Mở đầu một bài thơ hiện đại mà Vân Thuyết vấp ngay phải lối cùn mòn này. Trong khi đó mở đầu bài thơ “Hoài niệm thu” của tôi là “vòi vọi trời xanh thẳm nâng lên”. Nếu đem so quả là “cửa mở” cách một trời một vực. Một đằng mở đầu suy tư nơi ngưỡng cửa mở vào trời. Đằng kia thì là trí tưởng tưởng nhảy vũ trên miệng chén.

Tôi đếm được mấy từ “thu” của Vân Thuyết như: “Đêm thu trầm ngâm”, “Gọi gió mùa thu trở lại”, “Những ngọn gió buồn dạo chơi trên hè phố mông lung – nhiều lá vàng rơi”.

Những câu thơ còn lại Vân Thuyết ghép vào cho mùa nào cũng được. Nói chung tôi đọc bài này mà chẳng thấy mùa thu nhiều lắm, nghĩa là tác giả không dựng được khung cảnh cũng như tâm tình mùa thu. Đặc biệt có những câu sau:

Khoảnh khắc ngắn ngủi – bay qua minh triết của cảm xúc bậc thầy

Chữ “cảm xúc bậc thầy” nghe rất khoa trương và sáo, đó là thứ ngôn ngữ lên gân không cần thiết của thơ.

Niềm hy vọng đánh thức cuộc đời – chờ đợi tương lai nằm trong quá khứ

Hy vọng vào tương lai nằm trong quá khứ ư? Đây rõ ràng là tư duy âm lịch nhùng nhằng nước đôi, chất ỡm ờ Á Đông rất sền sệt. Thứ tư duy, cũng như mỹ học như vậy luôn loay hoay trở về bao biện bên quá khứ và bản thân mình, làm sao có thể cất cánh nổi? Qua câu thơ này, cũng như khái luận trong bài của Vân Thuyết, thấy càng rõ nội dung tư tưởng nghệ thuật của Vân Thuyết rất giống với nội dung sống, đó là nhì nhằng nước đôi, hòa cả làng, vô thưởng vô phạt, thiếu tư tưởng, vì thế thiếu cứu cánh… Các triết gia dứt khoát xác định không tranh luận: không có cái gì vừa đi lại vừa đứng. Trong nghệ thuật là lĩnh vực của biểu tượng không thể có thứ tương lai nằm trong quá khứ. Nói vậy chỉ làm người ta hiểu đó là sự luyến tiếc của hủ nho và đám độc tài.

Nghệ thuật luôn đòi hỏi chúng ta thử sức cao hơn. Tôi mời Vân thuyết thử sức trên lãnh địa trường ca – có nhân vật xem. Thơ dù hay là đoản ca cũng chẳng có gì để nói nhiều, người đời bảo “chạy đường dài thấy sức ngựa, thời gian dài thấy giá trị”. Thơ văn và âm nhạc là nghệ thuật thời gian. Vân Thuyết thử bắt tay vào viết “giao hưởng” thơ xem, nó khó gấp bao nhiêu lần thơ vụn, thơ lẻ. Văn minh tỉnh chẵn thì còn xem, văn minh tỉnh lẻ chấp làm gì! Đã thế lại còn thứ xó máy à ơi làng huyện hợp tác xã làm thơ có nên chấp không nhỉ? Mấy câu đùa vui này mong rằng không chọc giận nổi Vân Thuyết. Nhà thơ lớn chấp gì mấy câu chọc lẻ?!


NHĐ 26/09/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét