Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

NHÀ VĂN VIỆT NAM CÓ NÊN ẢO TƯỞNG QUÁ VỀ HẬU HIỆN ĐẠI

Nguyễn Hoàng Đức


Mới đây ngoài dăm bài tiểu luận, đặc biệt nhiều hơn trong sáng tác văn thơ, văn học Việt Nam rộ lên khá ồn ào cái gọi là “văn chương Hậu hiện đại”, điều này làm cho khá nhiều nhà văn, nhà thơ sền sệt chân đất, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ trẻ dù chưa một lần ra thông điệp hay bàn luận về Hậu hiện đại dưng dưng tự đắc chắc mẩm ta đang dùng bút pháp Hậu hiện đại, cho dù đó chỉ là văn học “ăn nhanh” lắp ghép vội vàng nơi chờ tầu xe, viết trên bàn phím laptop hay điện thoại. Chúng ta thử đặt và trả lời câu hỏi dựa trên những gì chắc chắn nhất: liệu người Việt nói riêng, người châu Á nói chung có thể tạng phù hợp với tư tưởng hay trường phái cách tân không?

- Theo các chuyên gia: Tất cả những giải Nobel giành cho văn học Á, Phi dù hay cỡ nào nhưng chúng không thể mang tính chất tiền phong, chúng chỉ hay theo tư chất mặt trận, bởi lẽ nếu xét đúng ra giải Nobel năm nào cũng rơi vào người Âu Mỹ cả. Để minh định xin đưa ra một so sánh, một nhà phê bình văn học lớn của Trung Quốc nói: Một nhà văn trung bình của phương Tây đã sẵn sàng chết để bảo vệ những ý tưởng của mình. Nhưng tất cả các nhà văn Trung Quốc chưa ai dám chết cho ý tưởng của mình.


- Tại các hội nghị quốc tế về bất cứ đề tài nào, những phát biểu của các nước Á châu thường rất xáo và cũ thiếu hẳn tính tiền phong, bởi vì đó thường là những ý kiến nước đôi, đi tìm giải pháp kiện toàn, A cũng không tốt, B cũng chẳng hay, thế là cái máy bay vừa A lẫn B, cũng có nghĩa là vừa bay vừa đứng. 

- Đức Khổng Tử người vĩ đại bậc nhất Trung Quốc nói, “tôi” không phải là người sáng tạo mà chỉ là người “thuật nhi bất tác”, tức chép lại chứ không sáng tác.

- Lãnh tụ lý thuyết Tôn Trung Sơn nói: Xưa nay Trung Quốc chưa hề có các cuộc chiến tranh vì tư tưởng, tự do, hay tôn giáo, mà chỉ có các cuộc chiến giành đất, ngai báu và đàn bà.

- Hai giải Nobel văn học của Trung Quốc, Cao Hành Kiện với “Linh Sơn”, là một thứ văn viết khéo nhưng tư tưởng nhợt nhạt theo lối “văn du lịch”, mà theo triết gia Hegel thì, trí tuệ du lịch là trí tuệ thấp nhất, người Việt cũng gọi thứ trí tuệ này là “cưỡi ngựa xem hoa”. Giải Nobel cho Mặc Ngôn với tác phẩm “Phong nhũ phì đồn” cũng chỉ là một thứ chủ nghĩa thế tục xum xuê dục vọng chưa thể vươn lên lý tưởng siêu hình.

- Nhà văn Nhật Bản Kenzaburo Oe đoạt giải Nobel 1994 thú nhận: “… Trong con mắt của người châu Âu, châu Mỹ, giá trị của chúng ta vẫn bị thờ ơ… người phương Tây chẳng khao khát tìm đọc những con người sản xuất xe Honda nhiều lắm” ( New Yorker 2/1995).

- Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đại ý: Lý luận đã có Liên Xô và Trung Quốc lo, chúng ta chỉ nên làm theo. Nghe nói, khi Việt Nam tổ chức học tập “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, đại ca Tầu liền gọi sang hỏi “các đồng chí học tư tưởng của Hồ Chí Minh là gì cho chúng tôi học với. Nhà tư tưởng thì phải có trước tác, trước tác của Hồ Chí Minh đâu?” Sau đó trên truyền hình chỉ thấy nói “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

- Tổng thống Ngô Đình Diệm Tây học rất nghiêm chỉnh nhưng khi vào “thiết triều” nền Cộng Hòa vẫn đóng khăn the áo xếp, đúng là cách “bánh trưng lại gạo”.

- Nhà triết học Trần Đức Thảo được gọi là triết học Mac-xit, như thế có khác nào nền “âm nhạc Quan Họ”, nghĩa là đó chỉ là triết học cục bộ mà không phải triết học toàn thể. Mới đây qua một cuộc hội thảo lớn, hầu hết các chuyên gia đã gọi ông là “thần đồng triết học” chứ không phải “thiên tài triết học”. Có thể ví ông là măng triết học lớn lên thành tre, nhưng không thành lim, sến, táu được. Càng không bao giờ trở thành cây thông để vi vu những hòa âm.

Dẫn ra một số điểm như vậy, đã thừa sức chứng tỏ, sức vóc và thể tạng của người châu Á cho dù cả Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn còn quá yếu, chưa nói đến lúa nước bì bõm Việt Nam. Trong gỗ, trong đá của châu Á khi gõ lên chỉ có 5 âm, gọi là ngũ cung, trong khi đó mọi thứ của Âu Mỹ gõ lên có 7 âm, lại thêm người ta sáng tạo ra 5 nốt bán âm khác, tổng cộng là 12 âm. Phong phú hơn gấp đôi châu Á. Vế sức của đất, Việt Nam chỉ có đá vôi, một chút đá Granit non, trong khi đó châu Âu có rất nhiều đá Granit già.

Người Việt do sức vóc lý trí và tư tưởng yếu nên khó mà hợp thể tạng với cái gọi là tư tưởng hay chủ thuyết. Ở Việt Nam có rất nhiều học viện hay trung tâm truyền bá chủ nghĩa Mác hay Duy vật, nhưng nói chung có mấy người hiểu nó cách đầy đủ toàn vẹn đâu. Vậy thì làm sao mới bập vào Hậu hiện đại đã sáng tác về Hậu hiện đại rầm rộ như vậy? Mà những người bập vào đó là ai? Hầu hết là mấy ông quê mùa ẻo lả làm mấy vần thơ tì tõm, nếu có viết văn xuôi thì cũng chỉ là thứ truyện ngắn na ná tản văn. Cụ thể hơn, đa số là những người còn mang nặng tâm hồn cải lương, tuồng, chèo, í ì i dề dà. Cụ thể hơn, thấy có người viết thơ văn xuôi, thì vô số học đòi theo. Nhưng thơ văn xuôi với thủ lĩnh hàng đầu là Tsvetaeva, với chủ đích là người ta dùng nó để thông điệp trực tiếp về tư tưởng, vậy mà các nhà thơ Việt đâu có tư tưởng gì để muốn phản ánh trực tiếp qua văn xuôi, thành ra thơ văn xuôi của họ chỉ là thứ thơ nối liền không chịu xuống dòng.

Muốn có chủ nghĩa hậu hiện đại thì ít nhất nó đòi hỏi con người hậu hiện đại. Để hiểu tôn giáo là gì chỉ mất 10 giây, đó là Hãy tin vào Đấng sáng tạo. Nhưng để sống với nó và trong nó một đời không hết. Người Trung Quốc có câu: “Học cái hay một đời không đủ, học cái dở một ngày là thừa”. Học điệu van chát – bùm – bùm chỉ trong 5 giây, nhưng để nhảy thành thạo cả năm chưa đủ. Một nền lý thuyết không bao giờ hình thành nếu chưa được người ta tranh luận. Chủ nghĩa Lãng mạn ở châu Âu rất dễ hiểu, nó chỉ là thay thế cái Tam Nhất của kịch cổ điển là “tại một địa điểm, trong một thời gian, một sự việc xảy ra” thành kịch tự do, xảy ra tại vô số thời gian và địa điểm cùng nhiều hiện tượng, vậy mà người ta tranh cãi về nó rất nhiều không thể ngã ngũ, nhưng cho đến nay vẫn được xem là kiểu mẫu hạt nhân điển hình làm men cho những trào lưu tư tưởng về sau. Ở Việt Nam, chúng ta đã dấy lên cuộc tranh luận nào vậy mà như mặc định mình sáng tác theo Hậu hiện đại? Đặc biệt có cả nhà văn nhà thơ nổi tiếng rút cục lại quay sang viết kịch chèo, vậy thì anh đã từng hậu hiện đại cái gì, để nhà phê bình kia cũng như nhiều người khoác lên vai anh ta?

Các lý thuyết thường bao gồm: 1- lý thuyết dẫn đến thực hành, 2- lý thuyết thuần túy giành cho phát triển nhận thức, 3- lý thuyết giành cho sinh hoạt, 4- lý thuyết có tính chất tu từ pháp để phản tỉnh.

Khi triết gia Nietzsche nói “Thượng Đế đã chết”, thì đó không phải mệnh đề triết học, cũng không phải tôn giáo, cũng không phải thần học hay đạo đức học, mà nó chỉ đơn thuần là tu từ pháp. Tương tự, nếu người ta nói “con người là thứ đáng thất vọng nhất”, thì cũng chỉ là tu từ pháp, vì con người nếu đúng vậy, thì cũng chưa có thứ con vật nào có thể thay thế con người. Câu nói đó chỉ là tu từ mong phản tỉnh con ngươi. Tương tự, người ta nói “tiểu thuyết đã chết” nhưng cho đến nay, tiểu thuyết vẫn là loại hình văn học đồ sộ và được ưa chuộng nhất. Rồi còn phản lý trí, phản lô gic cũng mang nhiều bóng dáng của tu từ pháp. Chủ nghĩa Hậu hiện đại, khi nói “giải trung tâm”, hay “giải châu Âu” thì cũng mang nhiều bóng dáng của tu từ pháp. Trên thực tế hiện nay, châu Âu cùng tiêu chuẩn châu Âu vẫn là một hạt nhan của văn minh nhân loại. Và nhà văn trên khắp thế giới đều muốn đến châu Âu để nhận giải Nobel, mà chẳng muốn đến đâu để nhận các giải sắc tộc cục bộ, thiếu tính phổ quát.

Để kết thúc tiểu luận, tôi xin kể một câu chuyện thực. Một lần giáo sư Trần Đình Sử cùng một số nhà thơ và tôi, được mời đến dự tân gia của một nhà thơ rất nổi tiếng. Mọi người ngồi uống nước bên bộ xa lông mây. GS Trần Đình Sử bỗng chỉ vào mọi người nói: “Hãy xem tất cả chúng ta dù đã đi Tây học đều co chân ngồi trên xa lông như ngồi phản, chỉ có một chàng kia vẫn ngồi bình thường”.

Tôi rất nể phục sự phản tỉnh trực tiếp của giáo sư. Theo tướng học thì, cái thể tạng của người Việt vì thân hàn cốt nhược nên ngồi đâu cũng co lại cho nó ấm. Một thể tạng như thế thì làm sao có thể tiền phong về lý thuyết được. Chính thế mà mong các nhà văn, nhà thơ Việt hãy nghiêm túc nhìn nhận mình xem đã đủ tầm vóc để gánh mang sứ mệnh của lý thuyết chưa? Có một tác giả mới viết, một nước nông nghiệp không thể nào tiến tới giầu mạnh hùng cường được, vậy bạn có nghĩ rằng, một tư duy nông nghiệp bỗng giật mình ăn may trở thành đầu lĩnh lý thuyết ư? Và cũng nên nhớ một phương ngôn “kẻ đi tiên phong bao giờ cũng bị hy sinh”. Bạn có giống cái quẩy tẩm nước đường êm ấm trong hệ bao cấp không, nếu vậy thì tiền phong và hy sinh làm sao được?

NHĐ

Tác giả cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét