Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Thông điệp của ông Putin

Huỳnh Văn Úc


Hãng tin BBC ngày 17/7/2013 đưa tin cuộc tập trận của Nga đang diễn ra ở vùng Viễn Đông với sự tham gia của 16 vạn quân, năm nghìn xe tăng, 130 máy bay và dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 20/7/2013. Đây là cuộc tập trận được đánh giá là lớn nhất kể từ thời Liên Xô còn tồn tại. Giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga A. Sharavin, người đang có mặt tại cuộc tập trận tuyên bố: “Xác suất xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Nga là cực kỳ thấp, nhưng nếu nó vẫn xảy ra thì Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA sẽ không thể nào chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Liên Bang Nga”. Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến trực tiếp chỉ đạo cũng như giám sát cuộc tập trận và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga. Ngoài những lý do trên dư luận còn đặt câu hỏi liệu qua cuộc tập trận này nước Nga còn muốn gửi thông điệp gì và gửi đến ai.

Vùng Viễn Đông của Nga có đường biên giới với Trung Quốc dài đến 4.300 km và những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc với Nga vẫn còn nguyên vẹn. Đây là một vấn đề do lịch sử để lại. Những điều tôi dẫn ra sau đây trích trong Lịch sử Trung Quốc của tác giả Nguyễn Hiến Lê. Khoảng giữa thế kỷ 17 Nga đã tiến tới Hắc Long Giang (sông Amur) rồi bị Mãn Thanh chặn lại, hai bên ký với nhau Điều ước Nertchinsk (tiếng Nga Нерчинский договор) vào ngày 27/8/1689. Theo Điều ước này Nga chấp nhận từ bỏ khu vực phía bắc Hắc Long Giang để giữ lấy khu vực giữa sông Argun và Hồ Baikal. Vào thời vua Đạo Quang (trị vì từ năm 1821 đến 1850) nhân lúc Trung Quốc có nội loạn Nga tìm cách lấn thêm đất, lập nhiều đồn doanh mới ở Hắc Long Giang, cắm cờ Nga rồi tuyên bố là đất của Nga. Đến năm 1858 ở Trung Quốc có loạn Thái Bình Thiên Quốc, Nga ép Trung Quốc ký với họ Điều ước An Huy. Trung Quốc phải nhượng cho Nga tất cả mọi vùng đất ở phía bắc Hắc Long Giang cùng với một phần lãnh thổ ở phía đông sông Ussuri. Năm 1860 Trung Quốc buộc phải ký với Anh và Pháp Điều ước Bắc Kinh. Nga viện lý do đã có công làm trung gian trong cuộc thương lượng nên đòi ghi thêm vào Điều ước 15 khoản nữa có lợi cho Nga, theo đó thì từ miền Đông sông Ussuri cho tới bờ biển thuộc hẳn về Nga. Người Trung Hoa coi khoản đó là điều nhục nhã. Không tốn một viên đạn, không mất một tên lính mà Nga chiếm thêm được hai triệu dặm vuông, cổ kim chưa có trường hợp ngoại giao nào kỳ lạ như vậy. Chưa hết! Năm 1871 vào đời vua Đồng Trị Nga tiến quân vào Y Lê, tuyên bố tạm chiếm Y Lê đợi khi nào nhà Thanh có đủ khả năng cai trị miền đó thì sẽ trả lại. Y Lê là tên gọi vùng đất xung quanh lưu vực sông Y Lê (Ili river). Sông này bắt nguồn từ dãy núi Thiên Sơn, chảy về phía đông một đoạn rồi đột ngột quay về phía tây, sau đó vượt hơn một nghìn cây số trước khi đổ vào Hồ Balkhas (Озеро Балхаш). Vậy là bỗng dưng Trung Quốc mất thêm 660.000 dặm vuông về tay Nga. Tất cả những biến cố lịch sử kể trên để lại những dấu ấn sâu sắc trong các thế hệ người Trung Quốc, chỉ chờ cơ hội là bùng phát. Trận đánh ngày 2/3/1969 giữa một đơn vị biên phòng Xô Viết và các lực lượng Trung Quốc xảy ra ác liệt trên hòn đảo Damansky (Остров Даманский) nằm giữa dòng sông Ussuri đã đẩy hai nước đến bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện là một minh chứng.

Điểm lại những biến cố lịch sử nói trên người ta có thể hiểu bằng cuộc tập trận quy mô lớn lần này ông Putin muốn gửi thông điệp gì và gửi đến ai.


Ông Putin đang thị sát cuộc tập trận ở Viễn Đông. Ảnh BBC


Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét