Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Không được đánh phụ nữ, dù chỉ bằng cành hoa .

Tôi từ miền Bắc vào Nam sau 1975, theo chân ba má đã đi tập kết rồi trở lại quê hương. Tôi được chứng kiến những sự khác biệt hơn hẳn của người miền Nam lúc đó. Chẳng hạn như các bạn học trong lớp đều rất lễ phép; chào hỏi, thưa gửi hơn hẳn ngoài Bắc. Các thầy cô thì rất nền nếp, chuẩn mực mọi mặt. Tôi được dạy nhiều điều hay, lẽ phải từ các thầy cô. Có những điều mãi sau này tôi mới thấm thía sâu sắc. Chẳng hạn, một người thầy cấp 2 của tôi đã dạy: “Không được đánh phụ nữ, dù chỉ bằng cành hoa!”.


Đến nay, sau 1975 gần 40 năm, tình hình giáo dục, đạo đức chung ngày một xuống cấp. Có những mặt còn thua miền Nam trước 1975. Và nhiều điều đau lòng đang xảy ra.

Sự kiện gia đình bạn Nguyễn Hoàng Vi gồm toàn phụ nữ: Hoàng Vi, mẹ Hoàng Vi, em Hoàng Vi bị đánh tàn nhẫn ngay giữa ban ngày tại cơ quan công quyền,có làm ai bàng hoàng, đau xót? Những người, những tổ chức bảo vệ phụ nữ tại Việt Nam ở đâu, sao không lên tiếng? Vì sao họ bị đánh như vậy? Chỉ vì họ đi dã ngoại quyền con người, để tuyên truyền “Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người” cho mọi người hiểu để xã hội, đất nước được tốt hơn. Chỉ vì họ bảo vệ, đòi lại những tài sản của họ bị cưỡng đoạt trắng trợn, vi phạm quyền làm người.


Và những người đàn ông đâu mất rồi?

À có đấy ! Lúc đó, họ đang bao vây xung quanh mấy người phụ nữ này để đánh hội đồng. Em gái bạn Hoàng Vi đã bị những người này đánh văng ra mấy cái răng. Mẹ Hoàng Vi bị họ dí thuốc là đang cháy vào mặt. Họ đánh ba người đến thân tàn ma dại, kêu khóc thảm thiết. Một bạn trai lúc đó có mặt đã xông vào bảo vệ nhưng cũng bị đánh cho tơi tả, không làm gì được.


Những người đàn ông đâu mất rồi?

Tôi đau xót cho những người phụ nữ dũng cảm, kiên cường và đầy nhân ái của nước tôi đã, đang và sẽ phải đối diện với những sự tàn bạo, vô nhân tính….


Và ngày mai, một bạn gái trẻ yêu nước đã bị đánh bầm dập trong trại tạm giam, có lẽ sẽ tiếp tục bị “đánh” hội đồng trong một phiên tòa tại Long An. Đó là sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Và một thanh niên – Đinh Nguyên Kha sẽ bị “đánh” đồng thời vì anh là người yêu nước.

.
Những người đàn ông đâu mất rồi?


Bạn thử hỏi nếu là đàn ông, khi mẹ bạn, chị gái, em gái bạn, con gái bạn bị đánh như vậy thì bạn sẽ cảm thấy thế nào và sẽ làm gì?


Hỡi những ai đang hành xử bằng bạo lực, bằng bạo quyền, bằng lạm quyền! Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động, bởi vì nếu mất tỉnh táo các người sẽ “đánh” vào chính mẹ, chị, em, con gái mình đấy! Nhớ lấy điều này:


“Không được đánh phụ nữ, dù chỉ bằng cành hoa!”


Sài Gòn, 15/05/2013.
.


Tác giả gửi cho NTT blog

2 nhận xét:

  1. "Không được đánh phụ nữ, dù chỉ bằng cành hoa" - bác Thăng Long thông cảm cho cái đám đánh mẹ - con, chị - em Nguyễn Hoàng Vi. Tôi đoán chắc là cái đám đánh mẹ - con, chị - em Nguyễn Hoàng Vi chúng nó (xưng hô thế này còn quá lịch sự với bọn này) cũng đọc được câu trên, nhưng ai đó đã xóa đi dấu phẩy và 2 từ "dù chỉ" nên câu nói trên sẽ là" KHÔNG ĐƯỢC ĐÁNH PHỤ NỮ BẰNG CÀNH HOA".
    Và thế là chúng đã thực hiện "nghiêm túc" đấy chứ: CHÚNG ĐÁNH BẰNG NẮM ĐẤM, DÙI CUI ĐIỆN, CHÂM THUỐC LÁ ĐANG CHÁY VÀO MẶT..., CHỨ CHÚNG CÓ ĐÁNH BẰNG CÀNH HOA ĐÂU.

    Trả lờiXóa
  2. Bạn Lê Thăng Long quý mến.

    Đọc bài viết của bạn, lòng tôi cũng sục sôi như bạn. Từ cái sục sôi, tôi còn càng quý trọng bạn nhiều hơn nữa. Vì, theo tôi, bạn là một trong rất ít những người “ Học sinh miền Nam” mà tôi tiếp xúc sau cái ngày gọi là “Giải phóng”, về lại quê hương. Đa số họ vênh váo trong cái tự đắc của kẻ chiến thắng. Họ gần như chỉ biết cái cường quyền mà không còn biết gì khác nữa kể cả đạo đưc, luân lý và thuần phong mỹ tục ông cha ta đã mất mấy ngàn năm tôn tạo và gìn giữ để làm thành bản sắc dân tộc.
    Về ý tưởng bài viết của bạn, tôi xin mạo muội được nói thêm rằng đó không phải ý tưởng của bạn, của tôi, của dân tộc Việt Nam mà là của cả nhân loại vì câu nói phát xuất từ một nhà nhân bản châu Âu từ rất lâu, nay trở thành một câu “châm ngôn” cho mọi người. Tác giả câu nói không phải chỉ tôn trọng vẻ đẹp phụ nữ, mà tôn trọng cả nhân cách của đồng loại. Phái yếu.
    Cũng từ cái bức xúc trước suy đồi nhân cách của lớp trẻ nói chung. Trong một bài viết bàn về việc dạy và học hiện tại. Tôi nghĩ rằng, căn cơ cũng vì hôm nay chú trong vật chất hơn là tinh thần. Một nhận thức lệch lạc đến khiên cưỡng ý nghĩa “duy vật”. Thể hiện trong một giáo trình khập khểnh ở mọi lãnh vực. Từ đó, người đi học chỉ nghĩ đến học cái gì để làm ra của cải vật chất cho bản thân hơn là học để làm một con người. Vào ngày đầu làm một học sinh hay một giáo sinh, một thời gian dài đâu còn nhắc đến “ Tiên học lễ , hậu học văn” như xưa.
    Mà, trong xã hội, con đường ngắn nhất dẫn đến vô đạo là phi lễ.
    Chỉ đến khi nhận thấy trong học đường tôn ti trật tự không khác ngoài xã hội ( xã hội đen nữa là khác ). Cũng mua, cho bằng, điểm. Cũng dao búa. Cũng hút hít. Cũng lừa đảo. Thì mới phục hồi. Than ôi ! Đã quá muộn, đã thành nếp. Câu chữ phục hồi chỉ là câu khẩu hiệu treo trên tường để trang trí lớp học, như câu MƯỜI NĂM TRỒNG CÂY, TRĂM NĂM TRỒNG NGƯỜI của Quảng Trọng thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu ngày xưa, và tất cả cũng dưới câu ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM. Nhiều nơi hoen ố không ai quan tâm, nhện giăng không ai chiếu cố. Cũng không dẫn giải nào trong giáo khoa thư nữa.
    Từ đó, dẫn đến vũ phu với phụ nữ, với con trẻ mà không nhờm tay, không áy náy (vì vô Đạo). Lại xem như một tất yếu để bảo vệ cái mình chiếm được, có được. Rồi cũng không cần nghĩ chiếm có hợp đao. Có, có hợp lý không. Nhưng rồi . . . Còn sao nữa đây ? Có ai quả quyết được từ hôm nay. Khi gần như tất cả đều thờ ơ !
    Người ta quên rằng làm việc đó, hay không can thiệp hành động đó chỉ là chủ trương của những tù trưởng trong thời kỳ xã hội bộ tộc lạc hậu xa xưa mà thôi. Trong khi thời ta đang sống là thế kỷ XXI, loài người đã liên tục phát triển những tiến bộ trong đó nhân phầm và đạo đức ở hàng đầu.
    Xin gởi lời đồng cảm với bạn NXD


    Trả lờiXóa