Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

TÌM RA CĂN NGUYÊN VĂN THƠ BÉ VÀ VỪA

Nguyễn Hoàng Đức

Văn học Việt nam đã được chính giới hữu trách nhận định rõ ràng rằng: đó là nền văn học bé và vừa, không tương xứng với tầm vóc lớn của dân tộc và thời đại, không có cá lớn chỉ có tép riu. Nói sát hơn nữa thì đây là những hoa trái bội thu ồ ạt của nền văn học mậu dịch, thu hái quanh năm suốt tháng, giải thưởng rầm rộ rải mành mành, nhưng rút cục chỉ có những sản phẩm lè tè bé bỏng. Đây là những đánh giá “tự soi mình” không thể cãi, cũng như không thể quay mặt làm ngơ. Điều chúng ta cần làm là gì?

Tất nhiên chúng ta không thể nghe những đánh giá thống thiết đau xót đó như cưỡi ngựa xem hoa mà chúng ta phải nghe bằng một thái độ tích cực, làm sao phải tìm ra nguyên nhân của vụ thất thu đó, hoặc là vụ bội thu hạt lép văn học đó. Hình như chính thức chúng ta chưa tìm thấy nguyên nhân tổng thể chính yếu của vụ lúa lép này. Hôm nay, vì mới suy tư rốt ráo và tìm ra nguyên nhân của nó khi đọc cuốn “Cộng hòa” do tác giả Đỗ Khánh Hoan dịch, tôi xin đưa ra lý do căn bản của cái thể tạng văn thơ bé-vừa của văn học chính thống mậu dịch nước nhà.

- Trước hết, cụm từ “văn học chính thống mậu dịch” là một cụm từ chính xác không hề muốn ám chỉ cái gì tiêu cực, bởi lẽ, văn học chủ yếu ở nước ta là văn học tập thể được Hội Nhà Văn nhà nước cũng như các nhà xuất bản quốc doanh hoàn toàn quản lý từ khâu cấp giấy phép, đến in ấn, phát hành, trao giải, cũng như tuyên truyền trên báo đài. Và rất nhiều anh hùng mậu dịch dù chỉ có vài bài thơ bé tí đã vang danh thiên hạ chỉ vì được cả hệ thống mậu dịch quốc doanh tiền hô hậu ủng. Hai bài thơ, hai nhà thơ ngang bằng nhau, nhưng người thì đeo huân chương đóng dấu quốc doanh, người thì ngước nhìn mặt báo như sân rồng không thể nào với tới. Sự khác nhau là ở đấy. Có kẻ mới có mấy bài tứ tuyệt vừa làm vừa chép vừa thuổng của người khác vậy mà nhờ súng ca nông và bệ phóng mậu dịch bắn vài phát đã tới ngay biên giới Thụy Điển thập thò giải Nobel, còn người bị bỏ quên thì dù có tác phẩm đồ sộ đứng ngay bên lề cũng không được mời vào đường chạy đua.

- Có một phương ngôn “lúc nhỏ không học lớn lên không biết làm gì”. Nền văn học bé của chúng ta nhìn cái thấy ngay là do vốn liếng học vấn và văn hóa thấp quá, nhà văn Nam Cao đã ví “anh đi buôn mà không có vốn anh buôn bằng gì”. Người ta có được hiểu biết bằng cách nào? Chỉ có hai cách chính:

Một: Học bằng trải qua kinh nghiệm. Chữ kinh nghiệm “experience”, theo toàn thể ý nghĩa của nó trong triết học cũng như cuộc sống bao gồm những nghĩa: trải nghiệm, thường nghiệm, hậu nghiệm. Lý giải là: Mọi thứ từ kinh nghiệm cũng có nghĩa là những gì đã trải qua, trải qua bình thường, sau rồi nghiệm lại.

Hai: Học bằng kiến thức sách vở.

Học bằng kinh nghiệm không bao giờ có tính sáng tạo hay phát minh. Triết gia Socrate bàn rằng: một viên bác sĩ có thể chữa khỏi cả trăm bệnh tật như khối u, viêm não, thoái hóa cột sống, nhiễm máu hay viêm tủy, thì ông không phải là người hiểu biết do trải qua hàng trăm loại bệnh, nhưng ông chữa cho hàng nghìn con bệnh khỏi vì ông có hiểu biết qua sách vở cũng như nguyên lý.

Một nhà du hành lần đầu đổ bộ xuống mặt trăng, anh ta cũng như toàn thể tầu vũ trụ cũng như bộ tổng tham mưu điều hành mặt đất chưa bao giờ có kinh nghiệm về việc đó cả, nhưng họ đã đáp xuống thành công. Đó là bởi sự hiểu biết đi tiền phong trước bằng sách vở chứ không phải do kinh nghiệm.

Một nhà thám hiểm Bắc cực hay Nam cực cũng vậy, họ chưa từng biết đích đến thế nào, nhưng họ đã dùng toàn bộ sự hiểu biết của mình để chinh phục miền đất chưa từng ai đặt chân đến.

Nhưng người hiểu biết bằng kinh nghiệm thường cho rằng: ta khôn ngoan lắm, ta tài giỏi lắm bởi vì ta từng trải lão luyện cuộc đời lắm. Nhưng triết gia Socrate nói: những kẻ trộm cắp đầu đường xó chợ là những đứa bặm trợn từng trải nhất. Còn viên quan tòa phải là người đạo đức công tâm nhất. Nhưng ở tòa, đám kẻ cướp không thể qua mặt quan tòa, dù ông trong sáng đạo đức, nhưng ông nhìn thấu những trò khôn ranh đòi qua mặt của chúng. Tại sao? Vì sự trong sáng đạo đức đã làm cho con người khôn ngoan hơn những kẻ lê la trong toan tính bụi bặm của lòng ích kỷ, quanh co, và tội lỗi. Không nói đâu xa chính người Việt ta cũng bảo “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”, hay “thật thà làm cha quỉ cái”. Nhưng người hiểu được làm được thì là quân tử, còn kẻ tiểu nhân dù có hiểu “nhà to ngõ rộng” là sang, chúng vẫn đánh lấn vơ vào cho mình. Tại sao? Vì cái lợi luôn che mắt họ.

Giờ xét đến sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ Việt. Tại sao họ là công nông binh được trải qua lịch sử tầm vóc hoành tráng như vậy mà không thể viết được tác phẩm lớn? Đến mức cả nghìn tác giả thơ không thể nghĩ ra nhân vật cho cốt truyện! Ngay cả trường ca ẵm giải nhất của HNV thì cũng chỉ là một bác dân chài nhợt nhạt ngồi gãi háng? Tại sao ư? Vì kinh nghiệm và từng trải của các vị đi ngược lại con đường sáng tạo và phát minh cái mới. Chúng ta còn rất yếu kém trong việc học tập và trau dồi văn hóa, thì làm sao có thể chính phục mặt trăng. Tất nhiên chúng ta đã từng lên vũ trụ với Phạm Tuân đi nhờ tên lửa của Liên Xô, nhưng chúng ta phải biết từ việc đi nhờ đến việc có cả nhiều nền kỹ nghệ để phóng vệ tinh lên trời là một khoảng cách xa xôi một trời một vực. Giờ tôi xin được mô hình hóa cho dễ hiểu. Một nhà thơ Việt đại trà ngắm một vòm cây sẽ thấy gì? Anh ta thấy bầu trời và nôn nao nhớ về cánh diều của tuổi thơ, ôi nhớ lắm! thương lắm lúc hàn vi mẹ còng em nhỏ nghèo khó…

Nhưng một con người có tư duy ngắm vòm cây sẽ thấy gì? Anh ta sẽ thấy bầu trời xanh lồng lộng. Anh tự hỏi: trong vòm trời kia liệu có Thượng Đế không? Thế là một câu hỏi siêu hình học ra đời! Bầu trời kia có phải không gian vô tận không? Một câu hỏi về vật lý ra đời! Người ta có thể đi tới đâu trong không gian vô tận đó? Khao khát về lý tưởng siêu việt ra đời! Ta có thể bay lên không? Bay bằng cách nào? Có giống Icar không? Đấy là những câu hỏi không hề mang bất kỳ dấu vết nào của kinh nghiệm. Kinh nghiệm là gì? Nói chung chúng chỉ là sự chứng của những giác quan, chúng vô cùng nhỏ bé, giới hạn và tầm thường. Chúng không bao giờ có thể mang bóng dáng của vĩ đại và vĩnh cửu vì bản chất của mọi vật chất và cơ thể thì sẽ tàn phai thối rữa. Một cây đàn sẽ phải mục, một bản nhạc sẽ mối mọt, người nghệ sĩ sẽ chết, nhưng khúc nhạc đã tấu lên còn ở lại với nhân gian. Người Việt cũng đã hát:

Trăm năm bia đá thì mòn

Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Bia đá chỉ là vật chất, còn bia miệng đã thành ngôn ngữ và tư tưởng.

Những sự khôn ngoan của các nhà thơ Việt chủ yếu là gì:

1- Coi nói dối như sự phát hiện và đặc quyền của người lớn, (một đặc quyền như đặc quyền ngoại tình vậy) và họ nói dối liên tục. Nói dối hòng biến việc A thành B, thành C, cám có thể thành vàng.

2- Hứa hão liên tục. Nó được coi như thứ đầu tư “tay không bắt giặc” hay “tay không bắt tỉ phú”.

3- Khiêm tốn vờ, kiêu hãnh lén. Ở đâu có đồng đội hay đồng hương trợ giúp, tức là gặp môi trường an toàn thì kiêu hãnh đến trời; nhưng khi thấy hoàn cảnh không thuận lợi thì khiêm tốn như kiểu trá hàng cho bảo toàn.

4- Mặt vô cảm như thể lấy bất biến ứng vạn biến, hỏi gì cũng ỡm ờ vờ vịt, thấy có lợi thì trả lời, không thì đánh bài lờ.

5- Tính toán từng lời chào, từng hướng nhìn, từng cái bắt tay.

6- Bốc phét chém gió ào ào kiểu “được ăn được nói”, nhưng khi không thuận lợi thì im lặng vô biên cũng là vô trách nhiệm tuyệt đối.

Tất cả những thứ khôn ngoan này nói vắn tắt chỉ là thứ khôn vặt chen ngang khi xếp hàng bao cấp. Tôi làm thơ giống anh, nhưng trước hết tôi phải tìm cách chen ngang đã. Chen ngang để vào Hội. Chen ngang để ẵm giải! Chen ngang để có ghế! Nhưng mọi thứ đó lại đi ngược đường của thi ca. Đó là những giá trị chụp giật lâm thời. Trong khi đó thi ca là giá trị văn hóa vĩnh cửu. Có thể hiểu bằng một hình ảnh đơn giản, nếu chỉ sáng tác bằng kinh nghiệm loanh quanh bờ ruộng với thời gian nông nhàn thì nhiều nhà thơ Việt mãi mãi mãi chỉ là “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Nhưng có một kinh nghiệm đau xót thế này, ngay sát Hà Nội có một làng trồng ớt nhưng không biết ăn ớt, nhiều làng trồng nho ở Âu Mỹ phải mời người từ nơi khác đến làm chuyên gia nếm nho. Nhiều nông dân không thưởng thức được chính cái hương vị đồng quê của mình, mà chính những con người từ xứ lạ đến lại phát hiện ra cái không khí tinh khôi mát lành của đồng quê. Chớ ảo tưởng ta là người nhà quê thì có được vẻ đẹp chất phác của nhà quê, với một chút khôn ngoan vặt vãnh và thành công ảo tưởng phù phiếm có rất nhiều tâm hồn tiểu nông không còn giữ được vẻ đẹp chân quê nữa. Văn minh thành thị thì chưa kịp học và không có ý định học. Giá trị chân quê thì bị tha hóa đánh mất đi, thử hỏi người ta sẽ thành gì ngoài cái gọi là “nôm na mách qué”?


NHĐ 11/04/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét