Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Nhạc vàng

Huỳnh Văn Úc 

Viết nhân ngày mất của nhạc sĩ Phạm Duy 27/1/2013 

Tôi gọi lão là Người đàn ông hát. Lão và tôi là hai người bạn vong niên, năm nay lão đã ngấp nghé bảy mươi, còn tôi tuy đã ra trường và làm việc ở một Công ty nhưng tuổi chưa đến ba mươi, bằng tuổi con trai thứ hai của lão. Tôi mến lão trước hết vì tiếng hát. Hằng ngày lão vẫn hát với tất cả sự đam mê những ca khúc cũ của dòng nhạc bị cho là vàng, một dòng nhạc đã đi qua bầu trời văn nghệ Việt Nam với biết bao nhiêu là trầm luân khổ ải: Thành phố buồn của Lam Phương, Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn, Thà như giọt mưa của Phạm Duy… Lão có chất giọng nam trung-dân sành nhạc gọi là baritone- rất trữ tình, sâu lắng, dày và đầy đặn đặc biệt ở khu vực trung âm, mỗi lần nghe lão hát lòng tôi đều xao xuyến. Lão có một hiệu ảnh nho nhỏ ở đường ven Hồ Tây, nhận làm tất cả các công việc về ảnh nên khi có nhu cầu tôi thường đến đó. 

Hôm ấy chiều muộn, mặt trời chỉ còn là một hình tròn màu đỏ treo lơ lửng bên cạnh một ngôi nhà cao tầng ở phía xa xa, hắt ánh sáng yếu ớt xuống những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước Hồ Tây. Gió nhẹ nhàng lướt qua rặng liễu đứng buông xoã những mái tóc xanh. Một chút xao động, một chút bâng khuâng trong cái khoảnh khắc giao hoà giữa ngày và đêm khiến lòng người dễ trở nên mềm yếu. Trong cái không gian lâng lâng ấy môi nở một nụ cười, lão đưa tay vuốt mái tóc ra phía sau rồi cất tiếng hát, đôi mắt sáng hơi khép lại mơ màng, cây ghi ta cũ kỹ già nua trong tay bập bùng, tự sự: 

Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời 
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây 
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy 
Có lá buồn gầy, dù sao, 
dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em… 

Đợi cho âm thanh cuối cùng của bài hát lắng xuống, tôi hỏi: 

- Có phải là Niệm khúc cuối của Ngô Thuỵ Miên không bác? 

- Chính xác. Anh cũng biết bài ấy ư? 

- Vâng, cháu có biết. Dù sao đi nữa, bài hát ấy vẫn dễ hiểu hơn Thà như giọt mưa của Phạm Duy. Bác có biết bài ấy không? 

Lão không hát mà chỉ lướt qua giai điệu một vài câu đầu: 

- Có phải : “Thà như giọt mưa/Vỡ trên tượng đá/Thà như giọt mưa/Khô trên tượng đá/Thà như mưa gió/Đến ôm tượng đá/Có còn hơn không/Có còn hơn không…”. Có những bài hát mà khi hát xong giai điệu và ca từ của nó khiến ta cứ suy tư trăn trở mãi. Thà như giọt mưa của Phạm Duy là một bài như thế. Nhưng chẳng có gì khó hiểu cả nếu ta ngẫm kỹ cái câu mà tác giả cố tình láy đi láy lại: “Có còn hơn không/Có còn hơn không” . Giọt mưa đã rơi, vỡ rồi khô trên tượng đá thì thử hỏi còn lại được gì, thế nhưng có vẫn còn hơn không, anh có hiểu không? 

- Cháu hiểu. Cháu nghe nói vì hát Niệm khúc cuối mà đời bác đã rẽ sang một khúc ngoặt có phải không? 

- Anh cũng biết chuyện ấy cơ à? Đúng là có một bài hát đã làm cho đời tôi rẽ sang một khúc ngoặt vì người ta cho đó là nhạc vàng nhưng không phải bài này. Ngô Thuỵ Miên viết Niệm khúc cuối vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, còn sự việc xảy ra với tôi vào khoảng năm 1964 lúc tôi hai mươi tuổi. Ngày ấy sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp cơ khí tôi làm thợ tiện ở phân xưởng của Nhà máy cơ khí Hà Nội. Cây đàn này tôi mua ở phố Hàng Gai sau khi nhận những tháng lương đầu tiên. Tôi biết đánh đàn chẳng qua trường lớp nào mà do học lỏm người quen theo kiểu truyền ngón. Rồi một hôm sau cuộc họp của Chi đoàn thanh niên do sự khích lệ của bạn bè tôi ôm đàn đứng lên… 

- Và hát? 

- Cậu có biết bài Áo anh sứt chỉ đường tà của Phạm Duy không? Bài hát phổ thơ của Hữu Loan. Tôi đang hát đoạn cuối : 

Chiều hành quân qua những đồi sim 
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim 
Tím cả chiều hoang biền biệt 
Rồi mùa thu trên những dòng sông 
những dòng sông, 
những dòng sông làn gió thu sang… 

Bỗng dưng mọi người trong phòng xôn xao rồi im bặt, bí thư chi đoàn vội vàng đẩy cửa chạy ra. Chạy ra để gặp chi uỷ viên phụ trách thanh niên, hôm ấy ông ta có việc đi ngang qua đó và bắt được tại trận cả chi đoàn đang tụ tập hát nhạc vàng. 

- Sao lại coi bài hát ấy là nhạc vàng? 

- Tuỳ theo hiểu biết và quan niệm của từng người thôi cậu ạ. Mà thời ấy hát nhạc vàng là một tội nặng lắm, vì hát nhạc vàng là truyền bá văn hoá đồi truỵ của chủ nghĩa đế quốc. Hôm ấy mặt bí thư chi đoàn càng lúc càng tái đi trước cơn thịnh nộ của ông chi uỷ : “ Tôi nghe rõ cả rồi! Đồi tím hoa sim, chiều hoang biền biệt, làn gió thu sang…không lãng mạn thì nó là cái gì? Mà từ lãng mạn đến đồi truỵ khoảng cách không xa. Các anh có biết bài hát này của ai không? Của Phạm Duy! Hiểu chưa? Mà Phạm Duy là ai? Là cái thằng dinh tê, về thành đầu hàng giặc, nói xấu cách mạng và kháng chiến. Thế mà các anh lại lôi bài của nó ra mà hát. Hỏng! Nhục ơi là nhục! Điếc không sợ súng! Đoàn viên thanh niên là cánh tay phải, là đội hậu bị của Đảng mà như thế a? Chi đoàn các anh phải kiểm điểm nghiêm túc chuyện này, biên bản nộp lại cho tôi.”. Thế là tôi phải kiểm điểm nghiêm khắc trước chi đoàn và nhận án kỷ luật khai trừ. Cái án kỷ luật làm cho tôi không ngóc lên được trong cuộc đời. Người cùng thời với tôi lên bậc thợ, làm trưởng ca, có người lên quản đốc. Còn tôi mãi mới trèo lên đến bậc bốn rồi chán quá xin nghỉ chế độ, thời ấy gọi là về một cục, không có lương hưu. Tôi theo nghề ảnh vì tình cờ và may mắn mua được chiếc máy ảnh Zenith của một người đi du học Nga về bán lại, tiền mua máy ảnh kiếm được do câu cá trộm ở hồ. Tôi không phải là dân câu trộm chuyên nghiệp, đói đầu gối phải bò thôi cậu ạ! Sắm máy ảnh và đi chụp dạo ở ven hồ, tôi theo nghề ảnh và nghề ảnh nuôi tôi từ bấy đến giờ. 

Năm 2005 Phạm Duy trở về định cư ở Việt Nam. Đêm nhạc Ngày trở về hoành tráng và cảm động của ông tổ chức năm 2006 tại Sài Gòn và 2009 tại Hà Nội. Tài năng, tên tuổi cũng như ảnh hưởng to lớn của ông đối với nền âm nhạc nước nhà được khẳng định. Của Cesar phải được trả lại cho Cesar! Vào lúc tôi ngồi viết bài này, từ dàn âm thanh của nhà hàng xóm vọng lại Ngậm ngùi, phổ thơ Huy Cận, Mùa thu chết phổ thơ của Guillaume Apollinaire, những bản nhạc đầy sức lay động của Phạm Duy. Phạm Duy không còn nữa, ông mãi mãi ra đi ngày 27/1/2013 để lại cho đời nhiều nỗi tiếc thương. Trong những nhạc phẩm của ông bàng bạc một tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Đời ông gắn liền với những biến cố thăng trầm của đất nước. Chúng ta tiếc thương ông, thương một tài năng, một nhân cách.Vậy mà có lẽ nào đã có một thời, một thời như thế, những ca khúc mà tác giả của nó viết ra từ những rung động của trái tim mình và làm xúc động biết bao nhiêu trái tim khác lại có thể vùi dập số phận một thợ chỉ vì người ấy hát nhạc của Phạm Duy: 

Chiều hành quân qua những đồi sim 
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim 
Tím cả chiều hoang biền biệt 
Rồi mùa thu trên những dòng sông 
những dòng sông, 
những dòng sông làn gió thu sang… 




Tác giả gửi cho NTT blog













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét